Định kiến truyền thông

02-07-2021 12:54|Đỗ Cao Bảo

Hầu hết chúng ta đều nghĩ hiện tại Mỹ, Anh đang dần tiến tới miễn dịch cộng đồng, dịch covid-19 đang được kiểm soát tốt, còn Ấn Độ thì dịch bệnh đang rất trầm trọng.

Nếu ai đó nói không phải vậy, hiện tại dịch bệnh ở Mỹ, Anh chỉ ngang với Ấn Độ mà thôi (thậm chí còn nặng hơn) thì chắc chắn chúng ta không tin.

Thế nhưng số liệu thực tế ngày 24/06 lại cho thấy rằng, nếu qui về cùng số dân (100 triệu dân chẳng hạn) thì Mỹ tương đương với Ấn Độ về số ca nhiễm, nhiều gấp 1,6 lần số ca tử vong; Anh có số ca nhiễm gấp 6,67 lần Ấn Độ, còn số ca tử vong thấp hơn 2 lần.

Để cho thật công bằng thì lấy số liệu trung bình 7 ngày gần nhất thì số ca nhiễm, số ca tử vong của Mỹ, Anh, Ấn Độ cũng cho kết quả gần như vậy.

Còn thời điểm đỉnh dịch, thời điểm mà dịch covid khủng khiếp nhất ở mỗi quốc gia thì Mỹ và Anh cũng cao gấp 2,5 đến 2,8 lần Ấn Độ về số ca nhiễm và cao gấp 3,4 đến 5,8 lần số ca tử vong.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự khác biệt lớn giữa số liệu và tình hình thực tiễn về dịch bệnh ở Ấn Độ (và các nước nghèo), ở Mỹ, Anh (và các nước giàu có) với thông tin và hình ảnh mà giới truyền thông quốc tế đưa tin, tất nhiêm là cả với những gì mà chúng ta cảm nhận.

Tôi cho rằng đấy là do định kiến.

Những người làm truyền thông quốc tế, kể cả truyền thông Âu Mỹ đã hằn trong đầu một định kiến là Âu, Mỹ và các nước phương tây giàu có hơn, văn minh hơn, nên phải chống dịch tốt hơn, còn Ấn Độ nghèo hơn, lạc hậu hơn thì chống dịch kém hơn, dịch bệnh sẽ nặng nề hơn, thảm khốc hơn. Các bài báo, các thông tin mà chúng ta nhận được phần lớn đều bị ảnh hưởng bởi định kiến ấy.

Còn người đọc chúng ta, với định kiến như vậy, chúng ta dễ dàng tin ngay những thông tin mà giới truyền thông đưa khi nó trùng với định kiến của mình và không tin những thông tin không giống với định kiến của mình. Rất ít người không bị ảnh hưởng bởi định kiến, thật công tâm, chỉ dựa vào số liệu thực tế để có tư duy, phân tích độc lập rồi đưa ra chính kiến của mình (tất nhiên có một số người biết nhưng lờ đi không công nhận).

Đây là số liệu thực tế về số ca nhiễm, số ca tử vong của Mỹ, Anh, Ấn Độ để các bạn tham khảo:

Số liệu ngày 24/06/2021:

Mỹ: 12.120 ca nhiễm, 380 ca tử vong, với 332,9 triệu dân

Anh: 16.721 ca nhiễm, 21 ca tử vong, với 68,2 triệu dân

Ấn Độ: 51.248 ca nhiễm, 965 ca tử vong, với 1.393,2 triệu dân

Nếu qui đổi theo số dân cùng là 100 triệu thì số liệu như sau:

Mỹ: 3.641 nhiễm, 114 tử vong

Anh: 24.518 nhiễm, 30,8 tử vong

Ấn Độ: 3.678 nhiễm, 69,3 tử vong

Như vậy Mỹ ngang Ấn Độ về số ca nhiễm, cao gấp 1,6 lần Ấn Độ số ca tử vong. Còn Anh số ca nhiễm cao gấp 6,67 lần Ấn Độ, số ca tử vong thấp hơn Ấn Độ 2 lần.

Để công bằng chúng ta lấy số liệu số ca nhiễm, số ca tử vong trung bình 7 ngày gần nhất thì kết quả cũng gần như vậy.

Đây là số liệu thời đỉnh dịch của mỗi quốc gia (số ca nhiễm, ca tử vong/ngày):

Mỹ: 240.000 ca, 4.000 ca

Anh: 55.000 ca, 1.400 ca

Ấn Độ: 400.000 ca, 4.900 ca

Nếu qui đổi theo 100 triệu dân:

Mỹ: 72.094 ca, 1.202 ca

Anh: 80.645 ca, 2.052 ca

Ấn Độ: 28.711 ca, 352 ca

Như vậy ở thời điểm đỉnh dịch của mỗi quốc gia thì Mỹ và Anh cũng nhiều gấp 2,5 đến 2,8 lần Ấn Độ về số ca nhiễm và nhiều gấp 3,4 đến 5,8 lần số ca tử vong.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dinh-kien-truyen-thong-119855.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Định kiến truyền thông
    POWERED BY ONECMS & INTECH