Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài chịu sự ảnh hưởng của Covid - 19.
"Đi tắt đón đầu" thị trường
Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước. Hiện tại cả nước có hơn 1 triệu cửa hàng tạp hóa. Thị trường bán lẻ ở Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.
Sau một thời gian dài bị “kìm hãm” bởi dịch Covid - 19, theo các chuyên gia ngành bán lẻ, dịp cuối năm người tiêu dùng sẽ có xu hướng chi tiêu mạnh tay, vì vậy sẽ tạo nên làn sóng mua sắm bùng nổ. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid - 19 cho người dân và đang là nước có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Tâm lý tích cực của người tiêu dùng cũng tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ - bán lẻ dễ dàng phục hồi và phát triển trong cả trung và dài hạn.
Để đón nhận làn sóng tiêu dùng này và đáp ứng với xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp bán lẻ đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất cũng như phân phối sản phẩm.
Tổng giám đốc Công ty CP Bibica Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Bánh kẹo là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Do đó, dù mới phục hồi sau dịch nhưng công ty đã khẩn trương bắt tay làm hàng Tết để kịp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong bối cảnh dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp, để “đi tắt, đón đầu” chiếm lĩnh thị phần, Tết năm nay cơ cấu sản phẩm của Công ty với khoảng 70 chủng loại từ bình dân đến cao cấp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Cùng với đó, Công ty cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online bằng việc ra mắt nền tảng chuyển đổi số ngành bán lẻ. Nền tảng này cho phép người dùng tích điểm đổi quà sau mỗi lần mua sắm. Điều này sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn. “Việc triển khai App Bibica không chỉ hỗ trợ việc quản lý bán hàng mà còn giúp các cửa hàng liên kết với nhau thành chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, hỗ trợ cùng nhau bán hàng và chăm sóc khách hàng” – ông Nguyễn Quốc Hoàn đánh giá.
Tương tự, để tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi, tăng trưởng cho kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh. Hình thức bán hàng được thực hiện song song gồm bán hàng trên các siêu thị trực tiếp và trên nền tảng thương mại điện tử thông qua các kênh của chính hệ thống siêu thị của tập đoàn như App GO! và Big C, Zalo, panpage Big C/Go/Top Markets, qua kênh đối tác giao hàng như Tiki, GrabMart, NowFesh…
Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư Tập đoàn Central Retail Việt Nam Phạm Thùy Linh cho rằng, dịch bệnh đã phần nào thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng từ trực tiếp sang trực tuyến. Sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng là cơ hội lớn, đồng thời đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần phải chuyển dịch nhanh chóng trong chiến lược kinh doanh.
Không chỉ những "ông lớn", các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ trong ngành bán lẻ cũng đang tích cực lấy chuyển đổi số làm động lực "đón sóng" thị trường. Các nhà bán lẻ hiện nay đang quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội. Từ đó, không chỉ tìm được khách hàng tiềm năng nhờ quảng cáo nhắm vào đối tượng cụ thể, mà còn có thể tiếp cận khách hàng và mang đến những chương trình ưu đãi riêng phù hợp với nhu cầu từng cá nhân.
Tiềm lực cho kế hoạch dài hạn
Kết quả khảo sát của Deloitte cho thấy, xu hướng mua sắm của người Việt giờ đây không chỉ nằm ở những chương trình ưu đãi hay giảm giá. Họ đã có sự chú trọng hơn về chất lượng trải nghiệm, bao gồm mức độ hài lòng với lần mua trước đó (19%), sự thuận tiện và tốc độ giao hàng (17%), trải nghiệm dịch vụ khách hàng dễ chịu (15%), quy trình giao dịch suôn sẻ (15%) và quy trình, chính sách trả hàng/hoàn tiền rõ ràng (11%)…
Người dùng cũng đang có tâm lý đề cao trải nghiệm mua sắm mang tính cá nhân hóa. Các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được đúng nhu cầu và mục đích sử dụng của mỗi khách hàng sẽ khiến họ tin tưởng lựa chọn thương hiệu và tiếp tục quay lại trải nghiệm ở những lần tiếp theo. Vì vậy, với lợi thế về công nghệ, các doanh nghiệp dễ dàng có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Chia sẻ về các mô hình kinh doanh xuất hiện trong tương lai và sự cần thiết phải chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống, ông Bruce Delteil - Giám đốc hợp doanh McKinsey & Company Việt Nam nhìn nhận, kinh tế Việt Nam dù đang đi chậm nhưng với triển vọng dài hạn cùng lòng tin vào sự phục hồi, thị trường được kỳ vọng lạc quan nhờ vào tăng trưởng GDP dương. Tuy vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua những thách thức về năng suất để thành công hơn với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Theo bà Phạm Thùy Linh, khách hàng hiện nay đang bị quá tải với rất nhiều chiến dịch marketing đặc sắc. Để thương hiệu nổi bật không chỉ trong mùa lễ hội mà còn các ngày trong năm, doanh nghiệp bán lẻ cần khám phá những hướng đi mới để rút ngắn vòng đời mua hàng.
Khi khách hàng sẵn sàng mua, doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng. Đó là một trong những bài toán không thể đưa ra đáp án một cách chủ quan. Chưa kể, để đáp ứng được tiến độ thời gian gấp rút và cuộc đua với đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp bán lẻ online cần có đội ngũ marketing chất lượng đồng thời là đội kỹ thuật viên, lập trình viên đủ cứng cáp và kinh nghiệm để đáp ứng nhanh nền tảng công nghệ, chuyển hóa các ý tưởng, kế hoạch và định hướng trở thành hiện thực.
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trên toàn cầu hiện nay. Các doanh nghiệp bán lẻ dù quy mô lớn hay nhỏ, để nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, mang lại những trải nghiệm và giá trị mới khác biệt cho người tiêu dùng, qua đó tối ưu hóa hoạt động, gia tăng doanh số và lợi nhuận đều cần phải coi chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển trong tương lai.