Doanh nghiệp chịu "gánh nặng", Chính phủ đề nghị giảm phí công đoàn
Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% và giãn thời hạn nộp kinh phí này trong năm 2023.
Theo Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đề nghị Bộ KH-ĐT trong tháng 8 khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa rà soát lãi suất cho vay theo quy định về hoạt động của quỹ và áp dụng giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn vốn của quỹ.
Đặc biệt, Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% (tức giảm 50% kinh phí công đoàn) và giãn thời hạn nộp kinh phí trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu để tiếp tục triển khai thực hiện đến hết năm 2023 chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT, Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thực tế, vấn đề giảm kinh phí công đoàn không phải lần đầu tiên được đề cập, thậm chí trước đó các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị giảm mức đóng này, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19.
Theo đó, với các ngành hàng thâm dụng lao động, chi phí cho người lao động (phí nhân công, tiền đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn) là các khoản lớn.
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012, hiện nay, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tiền lương bao gồm: Mức lương và phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trừ khoản phụ cấp không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Các hiệp hội nhìn nhận, thông qua phí công đoàn, doanh nghiệp đang chịu thuế hai lần khi doanh nghiệp đã gián tiếp đóng kinh phí công đoàn thông qua ngân sách khi đóng thuế. Việc trích nộp thêm 2% kinh phí công đoàn đồng nghĩa đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, các hiệp hội nhận xét, tỷ lệ nộp kinh phí công đoàn phải dựa trên điều kiện kinh tế xã hội, sự thay đổi của cơ sở tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội qua thời gian. Hiện mức lương tối thiểu vùng, quy mô lao động tại các doanh nghiệp đều tăng, khiến quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm trở nên rất lớn. Quỹ này dự báo tiếp tục phình to khi lương tối thiểu còn tăng trong các năm tới.
Với các lập luận này, cộng đồng doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị giảm tỷ lệ đóng từ 2% xuống 1% hoặc miễn đóng kinh phí công đoàn để giảm áp lực lẫn chi phí sản xuất. Nhưng quy định nằm trong luật nên nếu muốn miễn, giảm phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Quốc hội thông qua.
Cuối tháng 5 vừa qua, báo cáo khảo sát về tình hình việc làm và chính sách hỗ trợ người lao động gửi Thủ tướng của Ban Kinh tế Tư nhân cũng nhận định, có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023. Cùng với việc cắt giảm nhân lực của các doanh nghiệp, xu hướng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần chưa dừng lại.
Để hạn chế tình trạng này, doanh nghiệp đề xuất giải pháp trước mắt là cho phép doanh nghiệp, lao động không phải thu nộp kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên mà được giữ lại để hỗ trợ người lao động đến hết năm 2024.
Đoàn phí và kinh phí công đoàn là các khoản tài chính công đoàn, được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn.
Hai khoản này do doanh nghiệp và lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng hàng tháng. Doanh nghiệp trích 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và người lao động 1%.
Mức trích nộp kinh phí công đoàn dùng để tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; khen thưởng, động viên con em người lao động; hỗ trợ đoàn viên công đoàn khi ốm đau; chi gián tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho người lao động…
Khảo sát gần 9.560 doanh nghiệp cũng cho thấy, có 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Hơn 7.300 doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động, song 71% số này có kế hoạch cắt giảm lao động (khoảng 5.200 công ty), nhiều nhất ở 2 lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP.HCM, Bình Dương.
Doanh nghiệp cũng muốn giảm chi phí lao động thông qua giảm tiền đóng BHXH, kinh phí công đoàn hoặc xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp thực tế.
Luật Công đoàn sửa đổi nhiều điểm mới, gia tăng bảo vệ quyền lợi người lao động
Kiểm toán định kỳ hai năm một lần việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn