Nhịp sống

Luật Công đoàn sửa đổi nhiều điểm mới, gia tăng bảo vệ quyền lợi người lao động

Linh Chi 29/11/2024 - 19:19

Ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn sửa đổi với nhiều điểm mới, giúp tổ chức công đoàn phát huy hơn nữa công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên và người lao động. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Tại kỳ họp thứ 8, với 443/456 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 92,48%), Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn sửa đổi. Luật này sau khi chỉnh lý sẽ gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với Luật hiện hành, với những điểm đổi mới được đánh giá là thiết thực.

Tiếp tục duy trì mức đóng phí Công đoàn 2%

Luật tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn là 2%. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính Công đoàn.

Việc tiếp tục duy trì kinh phí Công đoàn 2% là cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho đa số doanh nghiệp thực hiện, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đáp ứng được nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

dat may thai an 4 128415.jpg
Duy trì kinh phí công đoàn góp phần chăm lo cho người lao động. Ảnh: Hoàng Hà

Theo ông Trần Văn Đông - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Thuận, việc duy trì kinh phí Công đoàn 2% là “xương sống” để tổ chức Công đoàn hoạt động, phát huy hơn nữa công tác chăm lo bền vững cho đoàn viên, người lao động.

“Bởi trong bối cảnh mới, bất cứ sự cạnh tranh nào cũng cần nguồn lực. Với nguồn lực được quy định cụ thể trong Luật Công đoàn sửa đổi, Công đoàn cơ sở sẽ có nguồn kinh phí (75%) để tổ chức các hoạt động chăm lo thường xuyên cho người lao động”, ông Đông chia sẻ.

Luật mới cũng bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí Công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.

Đặc biệt, Luật bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn; bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính Công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, UBTV Quốc hội.

Về công khai tài chính Công đoàn, Luật quy định Công đoàn các cấp thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị Ban chấp hành Công đoàn, đồng thời phải công khai bằng một trong các hình thức: Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan…

Đây là việc làm nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quản lý kinh phí Công đoàn, thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho quyền lợi đoàn viên và người lao động.

bamnut1 62533.jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật. Ảnh: Quốc hội

Tạo sự công bằng cho lao động trong và ngoài nước

Một điểm mới đáng chú ý của Luật Công đoàn sửa đổi là bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại Công đoàn cơ sở của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại Công đoàn cơ sở.

Quy định này sẽ đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, Công đoàn của Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, việc thu hút người lao động nước ngoài gia nhập giúp tổ chức Công đoàn trở nên đa dạng hơn về văn hóa, tư duy, kinh nghiệm, kỹ năng và phong cách làm việc từ các quốc gia khác. Khi tham gia Công đoàn Việt Nam, người lao động nước ngoài có thể chia sẻ kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý trong các tổ chức Công đoàn, góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và gắn kết giữa người lao động trong và ngoài nước, tạo điều kiện để học hỏi và phát triển các mô hình hoạt động tiên tiến.

Việc mở rộng đối tượng gia nhập Công đoàn bao gồm cả người lao động nước ngoài sẽ làm gia tăng số lượng thành viên. Điều này củng cố sức mạnh tập thể và khả năng đàm phán của Công đoàn với người sử dụng lao động, cũng như nâng cao tiếng nói của người lao động tại các diễn đàn trong nước và quốc tế.

Xem xét miễn, giảm, tạm dừng đóng phí Công đoàn nếu DN gặp khó khăn

Luật mới đã bổ sung quy định xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí Công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.

Điểm mới này của Luật sửa đổi là một sự linh hoạt cần thiết, được rút ra từ đại dịch Covid-19 vừa qua, có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo động lực cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất và duy trì việc làm.

nguoi lao dong covid.jpeg
Luật Công đoàn sửa đổi bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn

Trong Luật Công đoàn 2012 đã có quy định về chức năng giám sát của tổ chức công đoàn, nhưng mới chỉ quy định công đoàn được tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Luật sửa đổi quy định rõ hơn quyền chủ động giám sát, phản biện xã hội của công đoàn, được đánh giá là sẽ giúp tổ chức công đoàn các cấp chủ động và thuận lợi hơn khi thực hiện hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động; đồng thời thực hiện hiệu quả hơn vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, giảm thiểu nguy cơ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công…, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đây là bước đi cần thiết, khẳng định vai trò thực chất của Công đoàn trong việc đại diện tiếng nói của người lao động tại nơi làm việc.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: Luật Công đoàn sửa đổi sẽ giao cho Công đoàn sự chủ động mạnh mẽ, tạo ra quyền và trách nhiệm nặng nề hơn, đặc biệt là nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Cùng với đó là đảm bảo và tăng cường quyền của tổ chức Công đoàn.

“Điều đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải hoạt động có hiệu quả hơn, linh hoạt, năng động và trách nhiệm hơn, chuyển mình, đổi mới, cần có sự minh bạch, rõ ràng ở tất cả các lĩnh vực”, ông Quảng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Công đoàn năm 2012 đi cùng với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Còn Luật sửa đổi lần này mang thông điệp của giai đoạn hội nhập sâu rộng với quốc tế, của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mang lại niềm tin cho hàng triệu người lao động trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để tổ chức Công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, đồng hành cùng người lao động, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Với tỷ lệ nhất trí tán thành cao của các đại biểu Quốc hội, Luật Công đoàn năm 2024 cho thấy đã thể hiện được tính thực tiễn, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội và thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động trong xu thế hội nhập hiện nay.

>> Luật Công đoàn (sửa đổi) chính thức được thông qua: ‘Chốt’ tiếp tục đóng kinh phí công đoàn 2%

Năm 2025 người lao động được nghỉ 22 ngày lễ, Tết

Luật Công đoàn (sửa đổi) chính thức được thông qua: ‘Chốt’ tiếp tục đóng kinh phí công đoàn 2%

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/luat-cong-doan-sua-doi-nhieu-diem-moi-gia-tang-bao-ve-quyen-loi-nguoi-lao-dong-2346995.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Luật Công đoàn sửa đổi nhiều điểm mới, gia tăng bảo vệ quyền lợi người lao động
    POWERED BY ONECMS & INTECH