Doanh nghiệp có nợ gấp 31 lần vốn chủ, Chủ tịch bất ngờ muốn 'ôm' thêm 20% vốn điều lệ
Động thái gom cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh công ty đã thua lỗ 6 quý liên tiếp.
Ông Trương Quang Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UPCoM: VHD), vừa đăng ký mua vào 7,686 triệu cổ phiếu VHD, tương đương 20,22% vốn điều lệ Vinahud, với mục đích "đầu tư cá nhân". Giao dịch sẽ được thực hiện từ ngày 2/12-31/12/2024 thông qua phương pháp thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, ông Minh sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,51% lên 24,74%, là cổ đông lớn nhất của Vinahud. Xếp sau là ông Nguyễn Đình Ngôn với 9,119 triệu cổ phiếu (24%), ông Nguyễn Hồ Nam với 8,663 triệu cổ phiếu (22,8%).
Ông Trương Quang Minh, sinh năm 1975, giữ chức Chủ tịch Vinahud từ năm 2022, đồng thời cũng là nhà sáng lập CTCP Tập đoàn R&H.
Động thái gom cổ phiếu của ông Minh diễn ra trong bối cảnh Vinahud đang đối mặt với những khó khăn tài chính nghiêm trọng. Trong quý III/2024, công ty ghi nhận doanh thu 52,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 2,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các khoản chi phí, thuế khác, Vinahud lỗ ròng 51,2 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp thua lỗ.
Vinahud thua lỗ trong 6 quý liên tiếp |
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Vinahud đạt 172 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Chi phí tài chính tăng 70%, lên mức 175 tỷ đồng, khiến lỗ sau thuế tăng 32,5%, đạt 161,5 tỷ đồng, gần bằng tổng mức lỗ của cả năm 2023. Con số này cách xa mục tiêu doanh thu 603 tỷ đồng và lợi nhuận 18,75 tỷ đồng đã đề ra cho cả năm.
Bên cạnh tình hình kinh doanh ảm đạm, Vinahud còn phải đối mặt với áp lực đòn bẩy tài chính lớn. Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của công ty đạt 5.100 tỷ đồng, nhưng phần lớn đến từ các khoản vay nợ. Vốn chủ sở hữu giảm còn 84,5 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tăng lên gần 300 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên mức đáng báo động, 60 lần, trong khi nợ vay/vốn chủ đạt 31 lần, gấp ba lần so với năm 2023.
TPBank (TPB) hiện là chủ nợ lớn nhất của Vinahud với dư nợ khoảng 2.000 tỷ đồng, gấp 23,5 lần vốn chủ sở hữu. Khoản vay này bắt đầu từ quý I/2023, nhằm thâu tóm dự án làng hoa Tiền Phong (Hà Nội) và góp vốn vào dự án Grand Mercure Hội An. Tuy nhiên, từ sau khi khoản vay này xuất hiện, tình hình kinh doanh của Vinahud lao dốc nghiêm trọng, với mức lỗ trung bình hơn 50% mỗi quý.
>>Nợ vay gấp 31 lần vốn chủ, một cổ phiếu xây dựng bất ngờ tăng trần 3 phiên
Ái nữ nhà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu Masan
Vinahud (VHD) xây tài sản bằng núi nợ: Trồng cây ngọt nhưng ăn quả đắng