Nợ vay gấp 31 lần vốn chủ, một cổ phiếu xây dựng bất ngờ tăng trần 3 phiên
Riêng khoản vay tại một ngân hàng VN30 đã gấp 23,5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp xây dựng này.
Cổ phiếu VHDcủa CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud - sàn UPCoM) có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, từ ngày 27/11; giá hiện tại ở mức 9.000 đồng (+45%). Từ đầu tháng 11 tới trước khi chuỗi tăng giá xuất hiện, cổ phiếu này có nhịp rơi mạnh từ mức 14.900 đồng về còn 6.200 đồng (-58%).
Hình minh họa |
Dù tăng giá mạnh, thanh khoản trung bình 3 phiên của VHD chỉ đạt 900 đơn vị/phiên.
Trên thị trường, cổ phiếu Vinahud hiện không ghi nhận thông tin hỗ trợ đủ tốt. Xét về kết quả kinh doanh, quý III/2024, công ty ghi nhận doanh thu 52,5 tỷ đồng, lãi gộp 2,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ; lỗ ròng 51,2 tỷ, đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp thua lỗ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 172 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ so với cùng kỳ 2023. Chi phí tài chính tăng 70% lên 175 tỷ đồng khiến lỗ sau thuế tăng 32,5% lên 161,5 tỷ, gần bằng tổng lỗ cả năm 2023. Mức lỗ này cách rất xa mục tiêu 603 tỷ đồng doanh thu và 18,75 tỷ lợi nhuận cả năm.
Áp lực lớn từ đòn bẩy tài chính
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản Vinahud đạt 5.100 tỷ đồng, nhưng phần lớn đến từ vay nợ. Vốn chủ sở hữu giảm còn 84,5 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế lên gần 300 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ tăng lên 60 lần, nợ vay/vốn chủ đạt 31 lần, gấp ba so với năm 2023.
Danh mục tài sản tập trung vào hàng tồn kho (1.620 tỷ đồng), khoản phải thu (1.970 tỷ đồng), và các khoản cho vay ngắn hạn (1.000 tỷ đồng). Lượng tiền mặt chỉ còn 11 tỷ đồng, không đủ trả lãi vay, trong khi chi phí lãi vay 9 tháng tăng 57% lên 152,4 tỷ đồng nhưng công ty chỉ thanh toán được 7,7 tỷ đồng.
TPBank hiện là chủ nợ lớn nhất của Vinahud, với dư nợ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, gấp 23,5 lần vốn chủ sở hữu. Khoản vay xuất hiện từ quý I/2023, nhằm thâu tóm dự án Làng hoa Tiền Phong (Hà Nội) và góp vốn vào dự án Grand Mercure Hội An. Từ sau khoản vay này, Vinahud bắt đầu thua lỗ nặng, với mức lỗ trung bình trên 50% mỗi quý.
Ngoài TPBank, Vinahud vay 303 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn R&H, đối tác liên quan đến dự án Làng hoa Tiền Phong. Chủ tịch HĐQT Vinahud, ông Trương Quang Minh, cũng có mối liên hệ với Tập đoàn này.
Dữ liệu từ VNDirect cho thấy ROE của Vinahud âm 126%, ROA âm gần 5%, EPS âm 6.300 đồng/cp, giá trị sổ sách giảm còn 2.200 đồng/cp (thấp hơn mệnh giá tới 78%). Tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao cùng dòng tiền yếu khiến Vinahud rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng, gây lo ngại lớn cho cổ đông và các chủ nợ.
>> Vinahud (VHD) xây tài sản bằng núi nợ: Trồng cây ngọt nhưng ăn quả đắng
VNG (VNZ): Cổ phiếu tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp sau thông tin về sếp Lê Hồng Minh
Nợ vay gấp 19 lần vốn chủ, Vinahud (VHD) muốn 'lướt' dự án gần 4.000 tỷ để xoay tiền?