Chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy do thiếu nhân lực, vận chuyển gián đoạn và sự điều hành thống nhất của các địa phương trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, nguyên liệu.
Hiện nay, mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể áp dụng với doanh nghiệp ngành dệt, sợi với khu nhà xưởng rộng, ít công nhân, còn với ngành may thì không. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề xuất, các địa phương cần linh hoạt trong điều hành để doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn dựa trên những tiêu chuẩn thống nhất.
“Rõ ràng, chúng ta cũng không thể kéo dài "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Dự báo trong khoảng 1 tháng nữa, các doanh nghiệp như dệt may, da giày cũng sẽ không chịu đựng được nữa”, ông Trường nhấn mạnh.
Không riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy do thiếu nhân lực, vận chuyển gián đoạn và sự điều hành thống nhất của các địa phương trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, nguyên liệu.
Cụ thể, về sản xuất, quy mô của doanh nghiệp may rất lớn nên khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”. Rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng lo chỗ ăn, ở, ngủ cho cả nghìn người lao động nên chỉ có thể vận hành “ba sản xuất” cho các bộ phận cần thiết để không mất đơn hàng cho mùa vụ tới.
Việc thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" cũng gặp nhiều khó khăn vì 19 tỉnh phía nam đang thực hiện cấp độ phòng, chống dịch cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi điểm đến đều phải đi qua các trạm kiểm soát dịch Covid-19 trong khi không có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất của các địa phương về yêu cầu đối với người lao động qua chốt.
Thực tế này khiến từ tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong quý II với lượng đơn hàng đã ký đến hết năm và quý I/2022, doanh nghiệp dệt may lâm vào tình cảnh không thể sản xuất được. Toàn ngành dệt may hiện chỉ vận hành được 10 đến 15% công suất.
Doanh nghiệp phía Nam phải xoay sở gửi đơn hàng cho doanh nghiệp phía bắc sản xuất hộ nhưng lại không vận chuyển được nguyên, phụ liệu và cán bộ kỹ thuật ra vì khó “thông chốt” qua nhiều địa phương.
Hơn nữa, chi phí vận tải tăng rất cao. Các doanh nghiệp cho biết, chi phí vận tải đã tăng khoảng 4 lần kể từ khi các địa phương nâng cấp độ phòng, chống dịch. Đã có những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa. Đã có những đơn hàng dịch chuyển sang nước thứ ba.