Bất động sản

Chi phí làm hầm vượt sông thứ hai Việt Nam sẽ cao hơn hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á

Việt Hoàng 15/12/2024 22:00

Chuyên gia thừa nhận rằng, chi phí đầu tư xây hầm sẽ cao hơn so với xây cầu, quá trình thi công cũng đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

Mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã đề xuất phương án xây dựng hầm chui qua sông Đồng Nai, nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP. Thủ Đức (TP. HCM) thay vì làm cầu Cát Lái như kế hoạch trước đây.

Phương án này được đưa ra sau khi Đồng Nai làm việc với Công ty cổ phần Fecon và đối tác Shanghai Tunnel Engineering Co. (STEC) để bàn về hợp tác triển khai các dự án hạ tầng ngầm trên địa bàn tỉnh.

Đơn vị tư vấn đã đề xuất ý tưởng xây hầm Cát Lái và qua các nghiên cứu ban đầu, phương án này được cho là có nhiều ưu điểm hơn làm cầu, chẳng hạn như giảm thu hồi đất, hạn chế tác động đến người dân và bảo vệ mỹ quan khu vực.

Doanh nghiệp đã đưa ra hai phương án làm hầm. Phương án thứ nhất là công trình dài 2,3km, gồm 8 làn xe, mỗi chiều 4 làn, với tốc độ thiết kế 80km/h. Phương án còn lại là hầm dài 1,7km, gồm 6 làn xe, mỗi chiều 3 làn.

Chi phí làm hầm vượt sông thứ hai Việt Nam sẽ cao hơn hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á
Ảnh minh họa

Đơn vị tư vấn cho biết, đây mới chỉ là đề xuất gợi mở do thời gian nghiên cứu ngắn và chưa có đầy đủ số liệu chi tiết về địa chất cũng như quy hoạch liên quan. Tuy nhiên, chi phí dự kiến cho phương án rẻ và nhanh nhất vào khoảng 9.000-10.000 tỷ đồng, thời gian thi công dưới hai năm.

>> Trước Tết Nguyên đán 2025, huyện Quốc Oai sẽ đưa 26 thửa đất ‘lên sàn’ đấu giá

Đồng tình với phương án xây hầm, TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP. HCM nhận định, đây là giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển logistics trong khu vực, nhất là khi ngày càng có nhiều tàu lớn ra vào các cảng.

Ông Thuận cho rằng khoảng 20 năm trước, tàu thuyền trên sông thường chỉ có tải trọng 500 tấn, nhưng hiện nay đã tăng lên 2.000-5.000 tấn.

Với nhu cầu vận chuyển bằng đường thủy qua sông Soài Rạp và sông Đồng Nai ngày càng lớn, việc xây hầm sẽ là định hướng phát triển giao thông lâu dài. Trong khi đó, nếu xây cầu, tĩnh không thông thuyền cần được thiết kế tối thiểu 45m - tương đương cầu Phú Mỹ mới đảm bảo tàu lớn có thể di chuyển bên dưới.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, hầm chui, khi được xây dựng, sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng đến tầm nhìn, không gian cảnh quan ven sông và giảm diện tích đất cần thu hồi so với phương án làm cầu. Bởi nếu xây cầu với tĩnh không cao, cần đường dẫn dài, điều này sẽ tác động lớn đến các khu dân cư vốn đã ổn định.

Dù vậy, ông Thuận thừa nhận rằng chi phí đầu tư xây hầm sẽ cao hơn so với xây cầu, quá trình thi công cũng đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, xét về lâu dài, hầm chui sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội vượt trội, nhất là khi khu vực này trong tương lai sẽ phát triển mạnh về giao thông và du lịch đường thủy.

Còn theo PGS.TS Chu Công Minh - chuyên gia kỹ thuật xây dựng tại Đại học Bách Khoa TP. HCM cho biết, việc lựa chọn giữa xây cầu hay hầm còn phụ thuộc vào quá trình nghiên cứu địa chất khu vực.

Ông nhận định rằng, so với hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, sông Đồng Nai tại khu vực Cát Lái có dòng chảy mạnh hơn, kích thước lớn hơn, nên việc thi công sẽ gặp nhiều thách thức hơn.

Ông cũng chỉ ra rằng chi phí xây hầm thường cao hơn cầu, do cần công nghệ tiên tiến để chống thấm và chịu áp lực nước khi nằm dưới lòng sông. Ngoài ra, chi phí bảo trì hầm cũng lớn hơn so với cầu.

Ông dẫn chứng hầm Thủ Thiêm, công trình dài gần 1,5km với 6 làn xe, được xây dựng cách đây 20 năm với chi phí hơn 2.200 tỷ đồng và mất 7 năm để hoàn thành. Mặc dù công nghệ hiện nay đã hiện đại hơn rất nhiều, ông nhấn mạnh rằng nguồn vốn cần thiết để xây hầm vẫn rất lớn và cần được tính toán cẩn trọng để đảm bảo phương án khả thi.

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn tại TP. HCM dài 1.490m, nằm ngầm dưới đáy sông, cách mặt nước 24m với mặt cắt ngang rộng 33,3m và cao 8,9m. Phần đáy và nắp hầm dày 1,5m, vách hai bên dày 1m. Công trình có khả năng chịu động đất cấp 6-7 độ Richter và được thiết kế với tuổi thọ 100 năm.

Sau gần 7 năm thi công, hầm Thủ Thiêm chính thức thông xe vào ngày 21/11/2011, được vinh danh là đường hầm ‏vượt sông đầu tiên của Việt Nam. Theo báo Giao Thông, hầm Thủ Thiêm là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á, được thi công bằng công nghệ đúc, dìm hiện đại nhất.

Hiện tại, để đảm bảo an toàn, hầm luôn có đội ngũ cứu hỏa, xe đặc chủng và tàu chữa cháy túc trực 24/7 để xử lý các sự cố có thể xảy ra.

>> Việt Nam sắp có sân vận động đẹp như sân nhà của Manchester United, tọa lạc tại tỉnh đông dân nhất cả nước

Việt Nam sắp có hầm vượt sông nối 2 tỉnh, thành phố giàu có bậc nhất của cả nước

2 tỉnh, thành phố giàu có của Việt Nam sẽ kết nối bằng hầm vượt sông thay cho cầu vượt sông thông thường?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-phi-lam-ham-vuot-song-thu-hai-viet-nam-se-cao-hon-ham-vuot-song-lon-nhat-dong-nam-a-265973.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chi phí làm hầm vượt sông thứ hai Việt Nam sẽ cao hơn hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á
    POWERED BY ONECMS & INTECH