Doanh nghiệp nào đã nhận chuyển nhượng "chui" 265 triệu cổ phiếu từ Cơ điện lạnh (REE)?

24-07-2022 16:36|Ba Lỗ

Cơ điện lạnh (REE) mới đây đã bị UBCKNN ra quyết định xử phạt hành chính vì giao dịch chui 265 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo giao dịch. Dư luận ngay lập tức đặt nghi vấn, ai đã tiếp tay cho REE thực hiện phi vụ này?

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 21/7/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 110 triệu đồng đối với CTCP Cơ điện lạnh (Mã REE - HOSE) vì đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. 

Cụ thể, REE đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 3.789.400 cổ phiếu NBP, 33.324.802 cổ phiếu CHP, 38.365.168 cổ phiếu TBC, 29.843.740 cổ phiếu TMP, 102.138.910 cổ phiếu VSH, 10.389.490 cổ phiếu SHP, 32.000.000 cổ phiếu SBH và 15.433.893 cổ phiếu ISH ngày 10/11/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Tổng cộng số cổ phiếu đã được REE chuyển quyền sở hữu "chui" nêu trên là hơn 265 triệu cổ phiếu.

Như vậy, các thương vụ giao dịch "chui" này thậm chí đã được thực hiện trước rất lâu so với thời điểm cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC và bị phát giác ngày 10/1/2022.

Với quy mô lớn và mức độ nghiêm trọng của sự việc, hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022, ông Quyết cùng loạt lãnh đạo cấp cao tại CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan đã lần lượt bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam để điều tra về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Phản ứng của một số nhà đầu tư trên diễn đàn chứng khoán sau sự kiện REE bị xử phạt

Chi tiết xem bài viết: Cơ điện lạnh (REE) giao dịch chui 265 triệu cổ phiếu?

Trở lại với Cơ điện lạnh, trước khi thương vụ này được phát giác, nhà đầu vẫn đang dành khá nhiều thiện cảm cho cổ phiếu REE trong 1 năm qua, nhất là giai đoạn từ cuối tháng 4 - giữa tháng 6/2022 (thị trường chứng khoán lao mạnh) qua đó giúp mã này lập đỉnh tại mốc 99.000 đồng (phiên 17/6) - tăng 28%. Đây cũng được đánh giá là cổ phiếu phòng thủ tốt có thể giúp nhà đầu tư nương náu.

Theo thông báo xử phạt của UBCKNN, các hoạt động "không báo cáo giao dịch dự kiến" của REE đã diễn ra trót lọt vào trung tuần quý IV/2020.

Chuyển "chui" cho ai?

Tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của REE ghi nhận ở mức 30.929 tỷ đồng - tăng mạnh 10.399 tỷ đồng so với đầu năm trong đó lượng tiền mặt tăng từ 651 tỷ đồng hồi đầu năm lên 2.075 tỷ và lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối tăng lên mức gần 8.200 tỷ đồng; tổng nợ tăng gần 7.000 tỷ so với đầu năm lên mức 15.264 tỷ đồng do hợp nhất CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh dẫn tới tăng nợ vay để đầu tư cho các dự án điện gió: Trà Vinh V1-3, Phú Lạc 2, Lợi Hải 2 và để REE SE phát triển các dự án mới.

Trong cơ cấu nợ phải trả của REE tính đến cuối quý III/2021, khoản nợ vay - thuê tài chính ghi nhận hơn 10.700 tỷ đồng trong đó vay dài hạn gần 8.000 tỷ đồng. Trong số này, có 7 khoản vay (tổng giá trị khoảng 3.840 tỷ đồng) được thế chấp bằng toàn bộ quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và các tài sản hình thành trong tương lai của Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum.

Được biết đây là dự án có tổng vốn đầu tư 5.744 tỷ đồng của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh đã được khởi công cuối tháng 7/2009.

Ngoài ra, REE cũng đem thế chấp thêm loạt lô bất động sản và tài sản đảm bảo gắn với 4 nhà máy điện để vay thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Với khoản vay 2.710 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả, 1.000 tỷ đồng trong số này là khoản phát hành năm 2017 (đáo hạn cuối quý III, đầu quý IV/2021) và được mua bởi nhóm Vietcombank.

Các trái phiếu này được đảm bảo bằng 35.525.776 cổ phiếu CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã PPC - HOSE) thuộc sở hữu của Công ty TNHH Năng Lượng REE (công ty con 100% vốn của REE).

Ngoài ra, vào ngày 28/1/2018, Cơ điện lạnh cũng đã phát hành 2.318 trái phiếu có kỳ hạn 10 năm (REEBOND2029) với tổng giá trị 2.318 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo lãnh thanh toán bởi Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF) - quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Các trái phiếu này được đảm bảo bằng 38.365.168 cổ phiếu CTCP Thủy Điện Thác Bà (Mã TBC - HOSE), 32.000.000 cổ phiếu CTCP Thủy Điện Sông Ba Hạ (Mã SBH - UPCoM) và 24.932.630 cổ phiếu CTCP Thủy Điện Mường Hum thuộc sở hữu của Công Ty TNHH Năng Lượng REE (công ty con 100% vốn của REE).

Tại báo cáo được REE công bố ngày 13/10/2022, được biết doanh nghiệp đã thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu 285 triệu cổ phiếu tại 11 công ty cho Công ty TNHH Năng lượng R.E.E - REE Energy (công ty con do REE nắm 100% vốn).

Như vậy, REE Energy sẽ thay Cơ điện lạnh hoàn thành các nghĩa vụ vay nợ với các lô cổ phiếu (TBC và SBH) được dùng làm tài sản đảm bảo cho Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF).

Vấn đề với CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh

Tính đến cuối quý III/2021, REE cũng đang nắm quyền chi phối 28 công ty con. Đáng chú ý, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh chỉ mới chỉ gia nhập danh sách này hồi tháng 4/2021 (sau khi REE nâng tỷ lệ sở hữu từ 49,52% lên 50,45%) - trước khi Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum của công ty này đã được REE dùng cho việc cầm cố cho các khoản vay nợ.

Tính đến hết quý III/2021, REE đã rót thêm gần 2.700 tỷ đồng cho các dự án xây dựng trong đó đáng kể nhất là việc bơm thêm 940 tỷ đồng cho dự án Nhà máy điện gió Trà Vinh V1-3, 750 tỷ đồng cho dự án Nhà máy điện gió Lợi Hải 2 và hơn 670 tỷ đồng cho dự án Điện gió Phú Lạc.

Ngược lại, Cơ điện lạnh cũng ghi nhận rút hơn 2.130 tỷ đồng tại CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh qua đó biến công ty này trở lại thành công ty liên kết.

'Nữ tướng' Nguyễn Thị Mai Thanh rời ghế chủ tịch để nhận nhiệm vụ mới

REE sắp hoàn thành tòa văn phòng 1.700 tỷ, 'tiến công' mạnh vào lĩnh vực bất động sản

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-nao-da-nhan-chuyen-nhuong-chui-265-trieu-co-phieu-tu-co-dien-lanh-ree-141603.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp nào đã nhận chuyển nhượng "chui" 265 triệu cổ phiếu từ Cơ điện lạnh (REE)?
    POWERED BY ONECMS & INTECH