Doanh nghiệp Việt chịu đựng phi thường, bám đường đua
Tinh thần bền bỉ chèo chống vượt qua khó khăn, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân cùng góp sức để đưa đoàn tàu kinh tế Việt Nam dần lấy lại tốc độ sau những cú sốc chưa từng có.
Vững vàng vượt sóng
“Dù công ty chính thức thành lập năm 2004, nhưng tính đến việc thành lập và hoạt động của các cổ đông lớn, công ty con và các công ty tiền nhiệm của chúng tôi thì Masan Group đã hoạt động từ năm 1996”, đó là lời giới thiệu trên website của Masan về lịch sử hình thành của doanh nghiệp này.
1996 - tức 6 năm sau khi Quốc hội thông qua Luật Công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân 1990. Sự kiện đó đánh dấu lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được pháp luật thừa nhận và là cái nôi để những doanh nghiệp như Masan ra đời.
Xuyên suốt 27 năm, từ một công ty nhỏ, đến nay Masan đã trở thành công ty dẫn đầu các lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, thịt có thương hiệu, bán lẻ, chuỗi F&B, dịch vụ tài chính... với doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng, lợi nhuận hàng ngàn tỷ mỗi năm. Như lời giới thiệu của ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Masan, mỗi gian bếp của người Việt giờ đây gần như đều có sản phẩm của thương hiệu này.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã đứng vững ở thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Sản phẩm “made in Vietnam” có mặt ở hầu hết thị trường lớn và giấc mơ “công xưởng của thế giới” đang dần thành hình.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch Công ty Secoin, tự hào khoe: Doanh nghiệp được thành lập cách đây 35 năm, là nhà sản xuất gạch ngói không nung với hệ thống 9 nhà máy tại khắp 3 miền của đất nước. Sản phẩm Secoin được cung cấp tới các dự án trọng điểm trên toàn quốc và xuất khẩu tới 60 quốc gia. Secoin được Chính phủ công nhận là thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong suốt 8 năm qua.
Vài năm qua, DN chống chịu nhiều biến cố từ nội tại cũng như yếu tố bên ngoài. Đại dịch Covid-19 nổ ra đã hãm phanh nền kinh tế thế giới, đến giờ hậu quả vẫn còn dai dẳng.
“3 năm trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều bất lợi do khó khăn kinh tế chung của thế giới. Sản lượng xuất khẩu giảm sút, tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng tại các dự án trong nước do bất động sản đóng băng và thiết chặt tín dụng dẫn đến ngành xây dựng và vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Đinh Hồng Kỳ nói.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm bằng các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí... Mỗi doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở tối ưu chi phí, lèo lái con thuyền vượt qua giông bão.
Tinh thần bền bỉ chèo chống vượt qua khó khăn, mỗi DN cùng góp sức để đưa đoàn tàu kinh tế Việt Nam dần lấy lại tốc độ sau những cú sốc chưa từng có.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong tình hình bức tranh chung của kinh tế thế giới.
Trải qua hai quý đầu năm ảm đạm, từ quý III đã xuất hiện những “tia sáng dưới đường hầm”.
Tính riêng quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm, Việt Nam có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.
Cú hích mới từ Nghị quyết của Bộ Chính trị
Cộng đồng doanh nghiệp vừa đón nhận Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Là một doanh nhân có hơn 40 năm trên thương trường đầy khốc liệt, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco), bày tỏ “rất tâm đắc” với các nội dung trong Nghị quyết 41.
“Đội ngũ doanh nhân rất phấn khởi khi Nghị quyết mới tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân và đề cao hơn, đó là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, ông Trần Bá Dương chia sẻ.
“Đồng thời, đội ngũ doanh nhân không chỉ có vai trò góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ mà còn được giao thêm là góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cũng đóng góp vai trò trong ngoại giao kinh tế, hội nhập quốc tế”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico chia sẻ rằng Nghị quyết 41 đã “làm nức lòng doanh nhân”.
“Từ tin vui này, chúng ta cùng hứa quyết tâm thêm để cùng đóng góp cho một Việt Nam hùng cường”, bà Thảo chia sẻ.
Chặng đường phía trước luôn cần những chính sách vì doanh nghiệp
Dù đã có được lượng doanh nghiệp đông đảo, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa. Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã không đạt khi thực tế chỉ có hơn 800.000. Số lượng các doanh nghiệp lớn còn ít khiến vai trò dẫn dắt của khu vực tư nhân trong nước chưa được thể hiện rõ nét, nhiều lĩnh vực còn bị doanh nghiệp FDI lấn lướt. Phận "làm thuê trên sân nhà" là cụm từ khái quát chính xác những gì diễn ra trên thương trường.
Một số ít nhà lãnh đạo của những doanh nghiệp lớn lại chưa thượng tôn pháp luật. Sự rơi rụng của những doanh nghiệp ấy để lại nhiều tâm tư cho những người luôn đau đáu với sự phát triển của doanh nghiệp Việt.
Đó là lý do Nghị quyết 41 mong muốn doanh nhân trong thời kỳ mới phải lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng cống hiến.
Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp. Mục tiêu ấy, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương -CIEM) là đầy thách thức
“Dù mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp thể hiện mong muốn, quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh cũng như tinh thần khởi nghiệp, song không dễ đạt được nếu như không có nỗ lực cải cách, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp”, bà Thảo chia sẻ.
Chuyên gia CIEM mong muốn Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp lớn, đóng vai trò dẫn dắt. Bởi, đến nay, Việt Nam là một nước tăng trưởng dựa nhiều vào xuất khẩu, nhưng 70% kim ngạch xuất khẩu lại đến từ khối doanh nghiệp FDI. Vì vậy, cần nuôi dưỡng các doanh nghiệp lớn nhằm tạo ra tác động lan tỏa, dẫn dắt cho khu vực doanh nghiệp trong nước.
“Đó phải là những doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thay vì chỉ tập trung ở mảng bất động sản. Bởi họ sẽ tạo ra hệ sinh thái, liên kết các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị tốt hơn, tham gia vào thị trường tốt hơn”, bà Thảo nhấn mạnh.
Đó cũng là điều những lãnh đạo doanh nghiệp như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, mong mỏi. Ông Bình mong Chính phủ “đã thương yêu doanh nghiệp thì thương yêu nhiều hơn, đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn tháo khó khăn hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn, hạ dài hơn nữa”.
“Có tình cảm đó thì doanh nghiệp Việt Nam như đàn chim Việt sẽ dang cánh bay trên bầu trời, đưa Việt Nam vào vị thế quốc gia hùng cường và hạnh phúc", Chủ tịch Tập đoàn FPT nói.
Để có những "đàn chim Việt" như vậy, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink, cho rằng: Nhà nước phải tạo ra không gian, môi trường để “đại bàng non” phát triển thành các “đại bàng” đúng nghĩa. Ngoài ra, cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội nên hỗ trợ qua việc đào tạo về cách làm việc bài bản chuyên nghiệp, cơ chế quản trị khoa học và có chiều sâu, tôn trọng và bảo vệ chữ tín, tuân thủ pháp luật...
“Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đi tắt đón đầu là vấn đề sáng tạo, sử dụng và áp dụng công nghệ, chuyển đổi số để có thể cạnh tranh được với các 'đại bàng' quốc tế”, ông Mạnh chia sẻ.