Doanh nghiệp xi măng nói gì khi tăng giá bán?

17-03-2022 16:50|Thu Huyền

Hiện việc tăng giá bán xi măng được xem là động thái tất yếu khi tốc độ tăng giá nguyên liệu đầu vào của ngành này lên cao. Không chỉ mỗi than đá, thị trường ghi nhận hàng loạt nguyên liệu như đá vôi, đất sét, phụ gia... cùng tăng.

Nửa cuối tháng 3, hàng chục doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán từ 100.000 đồng một tấn để kịp tốc độ tăng nguyên liệu đầu vào.

CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) vừa thông báo tăng giá bán xi măng bao và xi măng bao jumbo thêm 100.000 đồng mỗi tấn, đã bao gồm VAT. Mức điều chỉnh trên sẽ áp dụng từ ngày 23/3.

Doanh nghiệp này giải thích đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên và vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, trong nửa cuối tháng 3 có đến 13 doanh nghiệp thông báo tăng giá sản phẩm. Mức tăng phổ biến là 100.000 đồng một tấn.

Có mức tăng cao hơn mặt bằng chung, CTCP Xi măng Hoàng Long điều chỉnh giá bán xi măng PCB40 các loại lên thêm 120.000 đồng một tấn. Riêng CTCP Xi măng Thành Thắng Group tăng giá bán các loại xi măng bao và rời (cả đường thủy và đường bộ) mang thương hiệu Thành Thắng và Thịnh Thành lên đến 150.000 đồng một tấn.

So với đợt tăng giá đồng loạt cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, các doanh nghiệp đã nới rộng biên độ tăng. Đợt trước, giá bán xi măng tăng chủ yếu khoảng 80.000-90.000 đồng, mức cao nhất chỉ 100.000 đồng một tấn. Khi đó, giá bán than đá tăng 7-10%, trong khi nguyên liệu này chiếm 40-45% giá thành sản xuất.

Hiện việc tăng giá bán xi măng được xem là động thái tất yếu khi tốc độ tăng giá nguyên liệu đầu vào của ngành này lên cao. Không chỉ mỗi than đá, thị trường ghi nhận hàng loạt nguyên liệu như đá vôi, đất sét, phụ gia,... cùng tăng đồng thời giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh cũng đẩy cước vận tải lên cao.

Giá bán tăng sau khi nhiều doanh nghiệp báo kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2021.

"Ông lớn" Vicem Hà Tiên năm ngoái ghi nhận doanh thu giảm hơn 11%, kéo lợi nhuận sau thuế về mức hơn 370 tỷ đồng, giảm hơn 39%.

Tương tự, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xi măng khác cũng giảm mạnh. Vicem Bỉm Sơn ghi nhận mức thâm hụt đến hơn 46%. Hai "anh em" khác là Vicem Hải Vân và Vicem Thạch cao Xi măng còn có bước lùi sâu hơn về lợi nhuận, lần lượt giảm khoảng 80% và hơn 97%.

Lợi nhuận giảm mạnh, theo lãnh đạo Vicem Hà Tiên giải thích một phần do nhu cầu thị trường suy giảm vì giãn cách xã hội, phần còn lại do giá than, dầu, thạch cao... tăng mạnh. Năm ngoái, doanh nghiệp này tăng giá bán xi măng từ tháng 11, vẫn chậm so với nhịp tăng của giá nguyên liệu đầu vào.

Về vấn đề giá bán, lãnh đạo Vicem Hải Vân còn nêu thêm, do nguồn cung xi măng vượt cầu, ảnh hưởng của đại dịch và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà máy sản xuất đã làm xi măng khó tăng giá bán. Báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng chỉ ra, tại miền Nam, giá than đã tăng 144% kể từ đầu năm nhưng giá xi măng chỉ tăng khoảng 3%.

Cả thập kỷ có lãi ‘không than’, loạt doanh nghiệp xi măng vội ‘cầu cứu’ Thủ tướng sau 1 năm làm ăn sa sút

Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng “kêu cứu”

11 doanh nghiệp xi măng Việt Nam bị Philippines áp thuế chống bán phá giá

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-xi-mang-noi-gi-khi-tang-gia-ban-123601.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Doanh nghiệp xi măng nói gì khi tăng giá bán?
POWERED BY ONECMS & INTECH