Doanh nhân Lê Viết Hải: “Kiến trúc sư trưởng” của “đế chế” Xây dựng Hoà Bình
Không thể phủ nhận, Xây dựng Hoà Bình chính là “bản vẽ” để đời của “kiến trúc sư” Lê Viết Hải. Từ một văn phòng vô danh, dưới “bàn tay” của ông, Tập đoàn này đã vươn lên thành một trong những “đế chế” xây dựng hàng đầu Việt Nam.
Doanh nhân Lê Viết Hải: “Kiến trúc sư trưởng” của “đế chế” Xây dựng Hoà Bình. Ảnh: Cafebiz
Không sở hữu phong cách mạnh mẽ, gai góc như các “ông trùm” xây dựng khác, nhiều người nói rằng, Chủ tịch Lê Viết Hải của Hoà Bình mang một phong thái nhẹ nhàng, thậm chí còn có phần “lãng mạn”. Sự khác biệt này có lẽ đến từ xuất thân của ông. Vị doanh nhân sinh năm 1958 sinh ra trong một gia đình tri thức đông con tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông Hải tiết lộ, cha ông từng là hiệu trưởng thứ 2 của trường Bồ Đề - một trường thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nổi tiếng tại Huế (nay là Trường THCS Thống Nhất), cũng là cư sĩ duy nhất giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Bồ Đề, còn mẹ là một tiểu thương kinh doanh buôn bán nhỏ. Năm 1967, khi ông Hải lên 9, cả gia đình chuyển vào Sài Gòn.
Thủa thiếu thời, ông Hải thường phải phụ cha mẹ làm nhiều nghề, từ mua bán thuốc tây, điện máy, cho đến việc hợp tác mở trường tư thục, sản xuất bánh mứt,… Ông Hải thừa nhận, đó cũng là lúc mình học được tính gan dạ, mạo hiểu từ cha mẹ và những đức tính phục vụ cho quá trình xây dựng doanh nghiệp sau này.
Lối rẽ bất ngờ và “bản vẽ” Xây dựng Hoà Bình
Ông Lê Viết Hải Năm 1985, ông Hải tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh với tấm bằng kiến trúc sư danh giá, ông Hải bất ngờ chuyển hướng sang làm một kỹ sư xây dựng, bởi ông cho rằng nhu cầu của xã hội trong ngành này còn rất lớn. Khi đó, ông đầu quân cho Công ty Quản lý Nhà thuộc Sở Nhà đất TP. Hồ Chí Minh với công việc là thiết kế thi công một số công trình nhà ở tư nhân.
Ông Lê Viết Hải xuất thân là một kiến trúc sư. Ảnh: Văn hoá doanh nhân.
Với số vốn và kinh nghiệm tích luỹ được sau 2 năm gắn bó, năm 1987, ông Hải quyết định gây dựng sự nghiệp riêng và thành lập Văn phòng Xây dựng Hoà Bình. Thời gian đầu, văn phòng này chỉ có vỏn vẹn 5 kỹ sư và 20 người thợ, chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân cho một một số Việt kiều. Đến năm 1989 thì bắt đầu tiếp xúc với giới đầu tư nước ngoài.
Năm 2000, trên nền tảng và đội ngũ nhân viên của Văn phòng Xây dựng Hoà Bình, ông Lê Viết Hải thành lập Công ty CP Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng. Tại đây, ông Hải đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Đến năm 2006, doanh nghiệp được đại chúng hoá và cổ phiếu Hòa Bình chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) với mã HBC.
Đến năm 2017, Công ty CP Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình được đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Ông Hải đã đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc từ đó đến năm 2020 rồi trao lại chức vụ Tổng Giám đốc cho con trai.
Hiện tại, vốn điều lệ của Tập đoàn Hoà Bình đang ở mức 2.741 tỷ đồng, cao gấp gần 250 lần so với số vốn ban đầu.
Những công trình mang dấu ấn Lê Viết Hải và Xây dựng Hoà Bình
Sau 36 năm hình thành và phát triển, Xây dựng Hoà Bình dưới sự “chèo lái” của “thuyền trưởng” Lê Viết Hải đã hoàn thiện hàng trăm công trình lớn nhỏ, trải dài từ Bắc vào Nam.
Những dự án bất động sản đầu tiên mang dấu ấn của ông Hải cũng như Xây dựng Hoà Bình đó là khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng (TPHCM), khách sạn International, Food Center of Saigon, Tecasin Business Center and Serviced Apartments.
Thời gian đầu, tại một số công trình như tháp truyền hình Bình Dương 252m, tòa nhà Keangnam 72 tầng…, Hòa Bình chỉ đóng vai trò thầu phụ. Ông Lê Viết Hải từng bộc bạch: “Chúng tôi chấp nhận đóng “vai phụ” để có thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhưng luôn xác định đến một lúc nào đó mình sẽ đóng “vai chính”.”
Ông Lê Viết Hải tại một công trình của Xây dựng Hoà Bình. Ảnh: Văn hoá doanh nhân.
Sau này, từ “kép phụ” Tập đoàn này đã trở thành “vai chính”, từng bước ghi nhận lên tuổi qua các công trình xây dựng liên quan đến dịch vụ hạng sang, tiêu biểu như: Saigon Sky Garden Apartments, Stamford Court, Riverside Apartment, Legend Hotel, Melinh Point Tower, Sheraton Plaza,… Cùng với đó là một loạt các công trình đồ sộ như: Dự án Saigon Centre giai đoạn 2, The Ascent Condominiums, Estella Heights, dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Tân Sơn Nhất và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay Đà Nẵng,…
Không dừng lại thị trường trong nước, ông Lê Viết Hải cũng đưa Hòa Bình bước chân ra nước ngoài “chinh chiến”. Năm 2011, Hoà Bình lần đầu tiên xuất ngoại hợp tác với Tập đoàn UOA với dự án đầu tay Le Yuan Residence ở Kuala Lumpur. Đây là “bàn đạp” quan trọng để sau đó, doanh nghiệp này mở rộng sang Myanmar, Kuwait… và ghi tên trên bản đồ thế giới.
Cho đến thời điểm này, dù đã trải qua hơn 10 năm thực hiện chủ trương “vươn ra biển lớn”, Chủ tịch Hoà Bình tự nhận xét Tập đoàn mới chỉ đạt được thành công về uy tín chứ chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tháng 8/2022, “ông trùm” xây dựng Việt Nam đã thành lập Tiểu ban thị trường nước ngoài và bổ nhiệm ông David Martin Ruiz – người có rất nhiều kinh nghiệm tại các doanh nghiệp xây dựng quốc tế là Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ.
Theo đó, Xây dựng Hoà Bình đã thực hiện 280 cuộc họp với các đối tác tiềm năng trong năm 2022, xác định hơn 20 dự án khả thi, 10 dự án có tiềm năng trung bình hoặc cao với doanh thu khoảng 350 triệu USD. Trong đó, có 2 dự án được chốt vào quý III/2022 gồm 1 dự án tại Brisbane, Australia của chủ đầu tư người Việt và 1 dự án tại Ontario, Canada với tổng giá trị khoảng 60 triệu USD.
Bước sang giai đoạn 2024 - 2025, Chủ tịch Lê Viết Hải đặt mục tiêu mở rộng kinh doanh tại các tiểu bang Florida, Nevada, Utah, Arizona, Califonia. Năm 2026 sẽ phát triển tại Anh, 2028 sẽ phát triển tại Bắc Carolina...
Được biết, Xây dựng Hoà Bình xác định 4 thị trường chiến lược của là Canada, Mỹ, Australia và châu Âu. Đây là những “mảnh đất màu mỡ” mà theo Chủ tịch Lê Viết Hải, Xây dựng Hoà Bình có thể khai thác, với nhiều lợi thế như: giá xây dựng rất cao; môi trường kinh doanh minh bạch; số lượng dân nhập cư cao kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng theo; sự thiếu hụt vật liệu xây dựng và tận dụng các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước này.
Đế chế nghìn tỷ đứt mạch tăng trưởng vì “cơn bão” Covid
Có thể nói, dưới bàn tay của “kiến trúc sư trưởng” Lê Viết Hải, Xây dựng Hoà Bình từ một văn phòng vô danh đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam với những kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng.
Nổi bật nhất phải kể đến “thập niên vàng” 2008 – 2018, Hòa Bình duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu “siêu tốc” khi cứ sau 5 năm, doanh thu lại tăng gấp 5 lần. Từ mức 696 tỷ đồng năm 2008, Tập đoàn này đã chinh phục cột mốc 3.000 tỷ, ghi nhận doanh thu ở mức 3.432 tỷ đồng và đến năm 2018, con số này lại tăng gấp 5, đạt 18.299 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2017 được xem là năm đỉnh cao trong thời kỳ hoàng kim của Hoà Bình, khi doanh nghiệp báo lãi hơn 860 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi thành lập.
Sau “thập niên vàng”, bước sang năm 2019, dù thị trường khó khăn, Hòa Bình vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 4% về doanh thu, thiết lập cột mốc lịch sử 18.822 tỷ đồng, qua đó trở thành doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam về doanh thu.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, khi tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng chậm lại vì “ngấm đòn” Covid-19, mạch tăng trưởng của Hoà Bình cũng đứt đoạn, doanh thu năm 2020 và 2021 lần lượt chỉ còn đạt ngưỡng 11.224 tỷ đồng và 11.355 tỷ đồng, còn lợi nhuận thì không đạt nổi 100 tỷ đồng.
Năm 2022, với doanh thu 14.154 tỷ đồng, lần đầu tiên Xây dựng Hòa Bình báo lỗ và lỗ đến 2.572 tỷ đồng. Riêng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến trên 2.059 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo kiểm toán bán niên 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.462 tỷ đồng, giảm 51,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 711,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 64,72 tỷ đồng, giảm 776,21 tỷ đồng.
Với việc lỗ thêm 711,49 tỷ đồng, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ luỹ kế của Xây dựng Hoà Bình lên tới 2.812,8 tỷ đồng và bằng 102,6% vốn điều lệ. Như vậy, sau khi kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2023, lỗ luỹ kế của Công ty đã vượt vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng có các khoản nợ vay đã quá hạn. Trong khi một số khoản vay đã được ngân hàng đồng ý gia hạn thì vẫn còn một số khoản vay đang trong quá trình thương thảo để gia hạn.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng nợ phải trả của Hoà Bình là 13.372 tỷ đồng, cao gấp hơn 26 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng nợ vay là 5.232 tỷ đồng, bao gồm 3.371 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.861 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Chủ tịch Lê Viết Hải chưa thể “buông rèm nhiếp chính”
Năm 2020, thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực, Chủ tịch Lê Viết Hải đã từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, nhường ghế cho con trai là Lê Viết Hiếu. Điều đó tuân thủ quy định của pháp luật, chủ tịch HĐQT không thể đồng thời là tổng giám đốc. Tuy nhiên, sau đó 2 năm, cũng theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp, Tổng giám đốc không được có quan hệ trực hệ với Chủ tịch/Thành viên HĐQT, sau 2 năm điều hành doanh nghiệp, ông Lê Viết Hiếu đã phải tạm lui xuống chức Phó tổng giám đốc thường trực.
Sự kiện chuyển giao thế hệ tại Hoà Bình. Ảnh: Người đưa tin
Do đó, cuối năm 2022, ông Lê Viết Hải đã chấp nhận rút lui để con trai “vững ghế”. Theo đó, ngày 12/12/2022, ông Lê Viết Hải đã có đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đồng thời cũng rút khỏi HĐQT, đồng thời đề cử ông Nguyễn Công Phú - người được ông mời về Hoà Bình vào năm 2021, lên nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn từ 1/1/2023.
Ngoài ra Hoà Bình cũng thông qua việc thành lập Hội đồng sáng lập do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch. Hội đồng này cũng sẽ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhằm đảm bảo quyền lực của ông Lê Viết Hải kể cả khi ông rời chức Chủ tịch HĐQT vì dù sao đây cũng là “bản vẽ” mà kiến trúc sư này tạo nên.
Các quyết định nói trên đều được sự đồng thuận tuyệt đối 8/8 thành viên trong HĐQT bằng Nghị quyết của HĐQT ngày 14/12.2022. Tưởng chừng mọi việc đã được sắp xếp ổn thỏa và Hoà Bình sẽ bước sang trang mới vào năm 2023 thì đúng vào ngày cuối cùng của năm 2022, Tập đoàn này phát đi thông báo hoãn đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải, hoãn việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, hoãn bầu ông Lê Viết Hiếu vào chức tổng giám đốc. Điều này đã đưa Hoà Bình vào cuộc “nội chiến” dai dẳng kéo dài.
Khoan nói đến việc “thái tử” Hoà Bình Lê Viết Hiếu chưa thể hiện được hết năng lực và vai trò Tổng Giám đốc do được bổ nhiệm ngay vào thời điểm dịch Covid-19 và thời gian tại chức cũng không lâu, chính mâu thuẫn với những “người anh em” và những khó khăn của thị trường đã đẩy Hoà Bình vào thế khó là lý do quan trọng khiến Chủ tịch Lê Viết Hải chưa thể “buông rèm nhiếp chính”.
Cất nóc trung tâm thương mại Aeon Mall 1.000 tỷ đồng, đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long
Hòa Bình (HBC) xuất hiện điểm sáng sau hai năm vật lộn vì công nợ