Xã hội

Đối phó bão số 3, Hà Nội có thể sơ tán dân, tạm dừng 2 tuyến Metro

N. Huyền 21/07/2025 19:49

Nhằm ứng phó bão số 3, Hà Nội yêu cầu các địa phương phải sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; có thể tạm dừng 2 tuyến Metro nếu cần thiết.

Ban An toàn giao thông TP Hà Nội vừa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bão, đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng người dân.

Cụ thể, Ban yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương chỉ đạo công tác cắt tỉa cây xanh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi mưa bão. Đồng thời, xây dựng các phương án bố trí lực lượng, trang thiết bị ứng phó với các sự cố về hạ tầng giao thông (các điểm úng ngập, sự cố do cây xanh gãy đổ, sự cố hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, sự cố tại các đường ngang giao cắt với đường sắt, sạt trượt hệ thống đường bộ...) nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 3 để có phương án ứng phó, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân đi xe buýt và metro.

ha noi.jpeg
Hệ thống Metro ở Hà Nội có thể sẽ tạm dừng hoạt động trong trường hợp cần thiết. Ảnh: Thạch Thảo

Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Hà Nội Metro cho biết, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, phương tiện, tài sản trên hai tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội, đơn vị sẽ ngắt điện tạm thời các thiết bị hiển thị tại sân ga. Việc ngắt điện sẽ được thực hiện trong thời gian bão đổ bộ.

Ngoài ra, các thang máy và thang cuốn ngoài trời sẽ tạm dừng hoạt động khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhằm phòng ngừa rủi ro về an toàn cho hành khách. Ngay sau khi thời tiết ổn định, các bộ phận kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá trước khi đưa thiết bị vận hành trở lại.

Trong khi đó, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông TP Hà Nội cũng vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị vận hành xe buýt chuẩn bị sẵn sàng lái xe, phương tiện dự phòng để giải tỏa hành khách tại các điểm có nguy cơ ùn tắc, ngập úng hoặc gặp sự cố. Đồng thời bố trí phương tiện trung chuyển người dân qua các khu vực ngập sâu, đảm bảo an toàn cho hành khách.

Đối với 2 tuyến đường sắt đô thị, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội được yêu cầu trong trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh hoặc tạm dừng vận hành tuyến metro để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, lái tàu và đoàn tàu.

Sẵn sàng sơ tán dân

Trong một diễn biến khác, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cũng yêu cầu: các xã, phường có hoạt động bến khách ngang sông, khu vui chơi giải trí trên mặt nước kiên quyết không cho phép phương tiện xuất bến trong điều kiện thời tiết mưa bão, giông lốc, gió giật mạnh. Đồng thời, tạm dừng toàn bộ hoạt động vui chơi giải trí mặt nước để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

UBND các phường, xã được giao nhiệm vụ cập nhật kịp thời tình hình thiên tai đến người dân, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng...

Các khu vực tràn ngập, ngầm tràn, có nguy cơ sạt lở hoặc nước chảy xiết sẽ được lập chốt kiểm soát, kiên quyết không để người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.

Lực lượng chức năng phải sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; bố trí nơi ở tạm, đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, nước sạch, thuốc men.

Công an TP Hà Nội được yêu cầu huy động lực lượng, phương tiện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều tiết giao thông trong tình huống khẩn cấp. Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu, điểm giao cắt với đường sắt... đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.

Ráo riết chằng néo máy bay phòng bão số 3

Nhằm ứng phó với bão số 3, các sân bay như Nội Bài, Vân Đồn đang ráo riết thực hiện các biện pháp chằng néo phương tiện, trang thiết bị phục vụ bay.

Theo đại diện sân bay Nội Bài, ngay từ đầu giờ chiều 21/7, các đơn vị tại cảng đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng, chống bão nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện và hoạt động bay trong mọi tình huống thời tiết bất lợi.

W-Noi Bai 21.7.1.jpeg
Chằng néo máy bay tại sân bay Nội Bài chiều 21/7. Ảnh: Phan Công

Các đơn vị đã tiến hành kiểm tra hệ thống thoát nước, gia cố trang thiết bị, chằng néo máy bay, phương tiện ngoài trời, đảm bảo an toàn khu vực khai thác và sẵn sàng lực lượng ứng trực 24/7.

Tương tự, tại sân bay Vân Đồn – nơi dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão – cũng đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện sân bay Vân Đồn cho biết, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ bay được chỉ đạo chằng néo, tập kết vào vị trí đảm bảo an toàn.

Các đài trạm khu bay, cửa nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ cũng đã được kiểm tra, gia cố kỹ lưỡng đề phòng mưa lớn và gió giật mạnh.

Cập nhật mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam, trong hai ngày 21 và 22/7, tổng cộng có 48 chuyến bay nội địa và quốc tế bị chậm, chuyển hướng hoặc hủy do ảnh hưởng của bão. Số hành khách bị ảnh hưởng lên tới 7.686 người.

Cụ thể tại sân bay Cát Bi, từ 23h ngày 21/7 đến 16h ngày 22/7, chặng nội địa có 9 chuyến bị delay/chuyển hướng, 27 chuyến hủy, chặng quốc tế có 6 chuyến hủy, 6.762 hành khách bị ảnh hưởng.

Tại sân bay Nội Bài, từ 10h-19h ngày 22/7, có 4 chuyến bay nội địa phải delay/chuyển hướng, 624 hành khách bị ảnh hưởng. Sân Bay Vân Đồn từ 19h ngày 21/7 đến 10h sáng 22/7 có 2 chuyến bay nội địa phải hủy, 300 hành khách bị ảnh hưởng.

>>Bão số 3 Wipha mạnh thêm 1 cấp, cách Hưng Yên 280km - Ninh Bình 310km

Bão Wipha gây mưa lớn ở Trung Quốc, hàng chục con sông tràn bờ

Người dân chi 54 triệu đồng/ngày thuê container chắn cửa chống bão Wipha

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đối phó bão số 3, Hà Nội có thể sơ tán dân, tạm dừng 2 tuyến Metro
    POWERED BY ONECMS & INTECH