Evergrande NEV cho biết chính quyền địa phương muốn chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư ký tháng 4/2019 và đang yêu cầu hoàn trả tiền trợ cấp.
Đơn vị sản xuất ô tô của “gã khổng lồ bất động sản” đang gặp khó khăn China Evergrande đã bị chính quyền địa phương yêu cầu trả lại 1,9 tỷ nhân dân tệ (6,8 nghìn tỷ đồng) tiền trợ cấp, sau khi công ty này không thể sản xuất được ô tô.
Tập đoàn phương tiện năng lượng mới China Evergrande (Evergrande NEV), đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác đầu tư với chính quyền địa phương vào tháng 4/2019, cho biết Chính phủ muốn chấm dứt hợp đồng và đang yêu cầu hoàn trả, theo hồ sơ gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào tối 22/5.
Cổ phiếu của công ty đã bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 17/5 cho đến khi có thông báo mới.
Hồ sơ cho biết, nếu các yêu cầu được thực hiện, chúng có thể tác động tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động của công ty cũng như các công ty con có liên quan, đồng thời cho biết Evergrande NEV đang phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề.
Evergrande NEV đang gặp rắc rối lớn về tài chính, theo báo cáo thường niên mới nhất. Tổng lỗ toàn diện cho năm 2023 lên tới 12,3 tỷ nhân dân tệ, trong khi các nợ phải trả là 72,5 tỷ nhân dân tệ. Công ty đã sản xuất tổng cộng 1.700 chiếc ô tô và chỉ bán được 1.389 chiếc vào năm ngoái.
Xe điện Hengchi 5 của Evergrande NEV được trưng bày tại triển lãm ô tô Thượng Hải vào tháng 4/2021 |
Cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn chưa có hồi kết
Những rắc rối tại China Evergrande trở nên tồi tệ hơn kể từ khi tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý vào tháng 1 vừa qua. Vào tháng 3, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Quảng Châu đã thổi phồng doanh thu lên 564 tỷ nhân dân tệ (78 tỷ USD) và lợi nhuận lên 92 tỷ nhân dân tệ trong những năm trước khi sụp đổ.
Cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc đã xử phạt người sáng lập Hứa Gia Ấn 47 triệu nhân dân tệ và cấm ông tham gia thị trường tài chính của nước này suốt đời.
Ngay sau đó, một lá thư từ những người tố giác cáo buộc rằng các chi nhánh của PwC tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có liên quan đến gian lận kiểm toán của Evergrande, điều mà công ty kế toán này đã kịch liệt bác bỏ.
Các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đều đã bắt đầu điều tra các hoạt động kiểm toán của PwC gắn liền với Evergrande.
Ảnh minh họa |
Những diễn biến này xảy ra vào thời điểm các cơ quan Chính phủ đang thực hiện các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự sụt giảm kéo dài trên thị trường bất động sản, khiến giá ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều giảm mạnh.
Gói kích thích “kiểu bazooka” bao gồm 300 tỷ nhân dân tệ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) dành cho các doanh nghiệp Nhà nước để mua lại những ngôi nhà chưa bán. Đồng thời, nước này cũng tiến hành cắt giảm thêm lãi suất thế chấp và tỷ lệ trả trước.
Trong khi các động thái này đã thúc đẩy tâm lý ở các thành phố loại một, các nhà phân tích tại S&P Global dự đoán giá nhà sẽ tiếp tục giảm ở các thành phố cấp thấp hơn, dẫn đến giá nhà trên khắp Trung Quốc giảm thêm tới 6% trong năm nay.
Theo dữ liệu chính thức, thu nhập của chính quyền địa phương từ việc bán đất đã giảm 11% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2023 do thị trường bất động sản chững lại.
Để giải cứu các chính quyền địa phương đang thiếu tiền mặt, Bắc Kinh đang thực hiện một loạt biện pháp, bao gồm phát hành trái phiếu Chính phủ đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ và thúc đẩy tái cấp vốn cho nợ của chính quyền địa phương.
>> Big4 kiểm toán bị Hồng Kông điều tra vì thư tố cáo nặc danh liên quan 'bom nợ' Evergrande