Đây còn là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng, khơi dậy nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, hội họa và nhiếp ảnh.
Tờ báo hàng đầu Hong Kong, Trung Quốc SCMP đã liệt kê những đường biên giới tự nhiên được đánh giá đẹp nhất thế giới, trong đó có thác Bản Giốc, Cao Bằng.
Danh sách công bố vào tháng 2/2023 dựa trên đánh giá của chuyên gia du lịch, như một gợi ý về điểm đến mà du khách nên ghé thăm. Điểm chung của những nơi này là các đường biên giới tự nhiên như sông, suối, núi, thác có cảnh đẹp, hùng vĩ.
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn (âm Hán Việt là Quy Xuân hà). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy, dòng sông lượn dưới chân núi Cô Muông trên các cánh đồng, bờ bãi quanh Bản Giốc và trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh.
Đến Bản Giốc, lòng sông đột ngột tụt xuống hàng chục mét, đổ qua nhiều bậc núi đá vôi tạo thành thác nước hùng vĩ. Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước, chia thành hai thác phụ và một thác chính. Ở giữa thác chính là cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Theo Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc (năm 1999), phần thác phụ hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, phần thác chính chia đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác chính có độ cao 70m, độ sâu 60m rộng 300m chia thành 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau.
Dưới chân thác là mặt sông rộng, với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh, mặt sông này được hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng chung. Mặt sông dưới thác trong xanh như tấm gương khổng lồ, ngày đêm soi bóng vạn vật, đất trời khiến vẻ đẹp nơi đây thêm sinh động và cuốn hút.
Hiện nay, ở dòng thác đang ngày đêm tung bọt trắng trời là mốc đôi 836 (1) và 836 (2) cắm hai bên Việt Nam và Trung Quốc. Đường biên giới phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn.
Cột mốc 836(2) rất đặc biệt khi được cắm ngay chân thác Bản Giốc. Đây là cột mốc đôi cùng số, bên ta là 836(2), đối diện qua đường biên giới trên đất Trung Quốc là 836(1) do Trung Quốc cắm. Cột mốc 836(2) là cặp mốc đôi cùng số nên hai bên mặt đều là chữ Việt Nam.
Ngoài thác Bản Giốc, SCMP cũng nhắc đến những đường biên giới tự nhiên khác như thác Niagara chia đôi Mỹ - Canada, Victoria phân chia Zambia - Zimbabwe, sông Guadiana chia đôi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hay dãy Andes là biên giới tự nhiên của Chile và Argentina.