Dự án cảng quy mô 19.400 tỷ đồng do PVN khởi xướng bây giờ ra sao?

14-07-2023 15:20|Hồ Nga

Dự án này cảng nằm ở vị trí rất thuận lợi, có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất hiện nay của Việt Nam.

Nhờ tính chất đặc thù trong lĩnh vực khai thác cảng, cộng với khối lượng hàng hóa lưu thông bằng tuyến đường này ngày càng cao, do vậy ở phía Nam, nhóm cảng biển số 5 đóng vai trò là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, chiếm khoảng 65% tổng sản lượng hàng hóa cả nước.

Trước tình hình đó, chủ trương xây dựng Cảng Phước An ra đời, nhằm tận dụng lợi thế trung tâm của tam giác kinh tế phía Nam, ngoài ra, cảng còn có lợi thế nằm trên tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải là một tuyến đường không hạn chế tải trọng tàu thuyền. Dự án Cảng Phước An được hình thành từ đó.

Năm 2008, để thực hiện việc đầu tư và khai thác Cảng tổng hợp Phước An theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tỉnh Đồng Nai, Công ty Dầu khí Đầu tư khai thác cảng Phước An (mã chứng khoán PAP) được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 440 tỷ đồng.

Cảng Phước An có 2 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và UBND tỉnh Đồng Nai, trong đó PVN góp 79,54% vốn cổ phần (350 tỷ đồng), Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) đại diện cho phía tỉnh Đồng Nai góp 17,05% vốn cổ phần (75 tỷ đồng). Còn lại 3,41% vốn cổ phần thuộc về các cổ đông cá nhân.

Sau 15 năm, doanh thu vẫn 0 đồng

CTCP Dầu khí Đầu tư khai thác cảng Phước An (PAP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 trong đó ghi nhận công ty vẫn chưa phát sinh doanh thu. Chí phí quản lý doanh nghiệp nửa đầu năm hết hơn 3,3 tỷ đồng, đây chính là nguyên nhân khiến công ty lỗ 3,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trước đó nửa đầu năm 2022 Cảng Phước An cũng ghi nhận khoản chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 1,4 tỷ đồng.

Số phận long đong của dự án cảng quy mô 19.000 tỷ đồng do PVN khởi xướng giờ ra sao?

Việc Cảng Phước An chưa ghi nhận doanh thu, ghi lỗ do chi phí đã không còn xa lạ. Trên thực tế CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An là đơn vị được thành lập để thực hiện dự án Cảng Phước An. Dự án hiện chưa đi vào hoạt động nên doanh thu chưa phát sinh.

Những năm 2020 trở về trước, Cảng Phước An thường xuyên ghi nhận lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ doanh thu tài chính. Doanh thu tài chính có được do 2 đợt tăng vốn điều lệ từ 440 lên 900 tỷ đồng và lên 1.100 tỷ đồng các năm 2016, 2017 chưa giải ngân hết được gửi tiết kiệm. Cổ tức là khoản tiền nhận về từ việc đầu tư vào công ty con là CTCP BOT đường vào cảng Phước An (PARBOT).

Tuy vậy tháng 1/2020 PARBOT đã giải thể công ty, số tiền đầu tư gần 173 tỷ đồng đã được chuyển trả lại công ty. Bên cạnh đó năm 2021 gần như toàn bộ số tiền thu được từ tăng vốn đã được giải ngân hết nên không còn phát sinh doanh thu tài chính.

Tổng mức đầu tư ban đầu hơn 19.400 tỷ đồng

Cảng Phước An nằm trong nhóm cảng biển số 5 - hệ thống cảng biển khu vực Tp. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tháng 8/2005 và phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009.

Cảng Phước An có vị trí rất thuận lợi do nằm bên bờ sông Thị Vải có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất hiện nay của Việt Nam. Cảng nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam - khu vực có lượng hàng container thông qua chiếm 70%, hàng tổng hợp chiếm 50% lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải có tổng chiều dài khoảng 49km với 2 làn đi và về, có thể đảm bảo cho tàu trọng tải đến 80.000 tấn lưu thông an toàn. Ngày 07/08/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn về việc công bố cho phép tàu có tải trọng lớn ra vào các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Sở hữu nhiều lợi thế, từ điều kiện tự nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ xung quanh, Cảng Phước An được hình thành với kỳ vọng mang lại nhiều giá trị kinh tế.

Số phận long đong của dự án cảng quy mô 19.000 tỷ đồng do PVN khởi xướng giờ ra sao?

Dự án cảng Phước An được chia thành các phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần. Phân khu cảng có tổng diện tích 183ha, tổng chiều dài bến 3.050m, gồm 6 bên container, 4 bến tổng hợp. Khu cảng có thể đáp ứng lượng tàu với công suất 2,5 triệu TEU/năm; 6,5 triệu tấn/năm.

Phân khu dịch vụ hậu cần được thiết kế cách cảng chính khoảng 5km, gồm nhiều phân khu chức năng, trong đó có khu lưu trú cho CBCNV, chuyên gia, khu hải quan, kho ngoại quan, bến hàng hóa lỏng, khu chứa hàng hóa lỏng, khi dịch vụ dầu khí, kho bãi… với tổng diện tích 555,24ha.

Ban đầu dự án Cảng Phước An được chia làm 5 phân kỳ đầu tư, trong đó phân kỳ 1 là khu vực cảng 21,7ha với 1 bến container, các đường kết nối với khu vực dịch vụ… Tổng mức đầu tư dự kiến 19.428 tỷ đồng.

Phân kỳ
Xây dựng
Ghi chú
Phân kỳ 1
- Cảng: 21,7ha; 01 bến container có chiều dài bến 335m.
- Đường kết nối giữa khu dịch vụ hậu cần với khu cảng dài 5km, rộng 12m.
- Khu dịch vụ hậu cần 34,96 ha
1.589 tỷ
Phân kỳ 2
- Khu Cảng 60,68 ha; 02 bến container, 01 bến tổng hợp, chiều dài bến 945m.
- Khu dịch vụ hậu cần 121,64 ha
7.914 tỷ
Phân kỳ 3
- Khu Cảng 39,75 ha, 01 bến container, 01 bến tổng hợp, chiều dài bến 580m.
- Khu dịch vụ hậu cần 107,58 ha
8.068 tỷ
Phân kỳ 4
- Khu Cảng 28,54 ha, 02 bến tổng hợp, chiều dài bến 540m, hoàn thành đường vào cảng.
- Khu dịch vụ hậu cần 116,07 ha
Phân kỳ 5
- Khu cảng 32,33 ha, 02 bến container, chiều dài bến 650m.
- Khu dịch vụ hậu cần 131,42 ha
Tổng mức đầu tư dự kiến (tỷ đồng)

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ nhu cầu về lưu thông hàng hoá của vùng Kinh tế Động lực Phía Nam nói chung, cảng Phước An xây dựng phục vụ nhu cầu tiếp nhận và phân phối hàng hoá không những của tỉnh Đồng Nai, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà còn phục vụ cho vùng Kinh tế Động lực phía Nam. Dự kiến cảng Phước An khi đi vào hoạt động hết công suất khoảng 2,5 triệu TEU và 6,5 triệu Tấn/năm là hoàn toàn khả thi.

Tuy vậy năm 2017 dự án được thay đổi với 3 phân kỳ đầu tư, tổng vốn đầu tư còn 17.571 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm, đến tháng 8/2059. Tháng 6/2017 HĐQT Cảng Phước An phê duyệt điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư phân kỳ 1, trong đó quyết định tổng mức đầu tư phân kỳ 1 gần 1.589 tỷ đồng.

Số phận long đong của dự án cảng quy mô 19.000 tỷ đồng do PVN khởi xướng giờ ra sao?

Hành trình đổi chủ: Từ PVN sang Hoành Sơn rồi đến Tuấn Lộc

Thành lập năm 2008 với vốn góp ban đầu 440 tỷ đồng, do PVN góp 350 tỷ đồng, Sonadezi góp 75 tỷ đồng, còn lại là các cá nhân sở hữu.

Năm 2016 cảng Phước An tiến hành tăng vốn lần đầu, từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng cách phát hành 46 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn với giá bán 10.000 đồng/cổ phần, thu về 460 tỷ đồng.

Sau phát hành cảng Phước An về tay Hoành Sơn, do đơn vị này sở hữu 51,11% vốn điều lệ. Đồng thời sau đó Cảng Phước An cũng có sự thay đổi lớn về nhân sự, ông Phạm Hoành Sơn giữ chức Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của công ty.

Công ty TNHH MTV Hoành Sơn được biết là một thành viên của Tập đoàn Hoành sơn do ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch.

Tháng 6/2017 cảng Phước An tiếp tục tăng vốn lên thành 1.100 tỷ đồng bằng phương án phát hành 20 triệu cổ phần chào bán riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, PVN, dẫn tới Hoành Sơn nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%. Cùng với đó, cảng Phước An miễn nhiệm Tổng Giám đốc cũ, bổ nhiệm ông Phạm Hoành Sơn giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.

Đáng chú ý, tháng 3/2019 Công ty TNHH MTV Hoành Sơn có thay đổi quan trọng. Chủ sở hữu từ Tập đoàn Hoành Sơn đã được đổi thành Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A (một thành viên trong hệ sinh thái Tuấn Lộc). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật cũng đã thay đổi từ ông Phạm Hoành Sơn sang ông Nguyễn Hồng Sơn. Tuấn Lộc tiếp quản chính Công ty TNHH MTV Hoành Sơn nhưng vẫn giữ nguyên tên pháp nhân này tại dự án.

BCTC năm 2022 từng ghi nhận CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc là “công ty mẹ cao nhất” của cổ đông.

Tháng 1/2021 cảng Phước An chào bán tiếp 40 triệu cổ phần riêng lẻ cho 10 nhà đầu tư cá nhân, nâng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng.

Tháng 11/2021 ông Phạm Hoành Sơn không còn là Thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT của Cảng Phước An. Lên thay vị trí Chủ tịch là ông Nguyễn Thành Đạt, sinh năm 1987. Ông Hoàng Sỹ Quyết giữ vị trí Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Năm 2022 Cảng Phước An tiếp tục tăng vốn, phát hành 50 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Giá chào bán 11.600 đồng/cổ phiếu, bên mua là 4 nhà đầu tư cá nhân. Cơ cấu cổ đông có sự thay đổi về tỷ lệ sau tăng vốn.

Số phận long đong của dự án cảng quy mô 19.000 tỷ đồng do PVN khởi xướng giờ ra sao?

Qua tay các ông lớn PVN, Hoành Sơn rồi Tuấn Lộc, cảng Phước An vẫn mãi chưa hoàn thành

Dù được trao tay qua nhiều ông lớn, đến nay đã 15 năm cảng Phước An vẫn chưa hoàn thành.

Bên cạnh đó đối với cổ đông PVN, hiện PVN đang sở hữu 23,3% vốn điều lệ của cảng Phước An. Trong khi đó Chính phủ đã có chủ trương sắp xếp thoái vốn của PVN tại cảng Phước An từ giai đoạn năm 2017-2018, vì thế PVN sẽ không tiếp tục thực hiện góp vốn. Do vậy Cảng Phước An phải huy động và tiếp cận nguồn vốn từ phía khác.

Năm 2022, Công ty TNHH Hoành Sơn cũng đã có 1 đợt bán vốn. Hiện tại sau những đợt tăng vốn, những đợt bán cổ phần, thì cơ cấu cổ đông Cảng Phước An đã có thay đổi đáng kể.

Số phận long đong của dự án cảng quy mô 19.000 tỷ đồng do PVN khởi xướng giờ ra sao?

Tín hiệu từ cảng Phước An cho thấy, dự án đã có nhiều tiến triển. Tháng 10/222 Cảng Phước An ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa. Theo đó Tín Nghĩa sẽ góp vốn đầu tư xây dựng và nhận về giá trị phí sử dụng hạ tầng với tỷ suất lợi nhuận tối thiểu 12%/năm trên khu đất hợp tác tại dự án Cảng Phước An với tổng diện tích tối thiếu 600.000m2. BCTC quý 2/2023 của Cảng Phước An ghi nhận khoản “phải trả ngắn hạn khác” hơn 1.115 tỷ đồng từ CTCP Phát triển KCN Tín nghĩa.

Số phận long đong của dự án cảng quy mô 19.000 tỷ đồng do PVN khởi xướng giờ ra sao?

Tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang vào dự án đã 3.300 tỷ đồng (tăng hơn 900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), chủ yếu nhờ tăng hơn 1.000 tỷ đồng cho hạng mục xây dựng cơ bản dở dang.

Số phận long đong của dự án cảng quy mô 19.000 tỷ đồng do PVN khởi xướng giờ ra sao?

Trước đó dự án đã “ngốn” hơn 1.544 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; hơn 534 tỷ đồng chi phí triển khai dự án; hơn 20 tỷ đồng thiết kế bản vẽ thi công, hơn 11 tỷ đồng lập dự án đầu tư, 16 tỷ đồng cho khảo sát địa chất và hơn 15 tỷ đồng rà phá bom mìn…

‘Chân ái’ heo ăn chuối từng khiến bầu Đức 'mừng đến mất ngủ' kinh doanh ngày càng xuống dốc

Mời tư vấn uy tín, chất lượng triển khai Dự án thành phần 4 Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Những đại gia Việt ngồi yên cũng thu về hàng trăm tỷ tiền mặt

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/so-phan-long-dong-cua-du-an-cang-quy-mo-19000-ty-dong-do-pvn-khoi-xuong-gio-ra-sao-192211.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Dự án cảng quy mô 19.400 tỷ đồng do PVN khởi xướng bây giờ ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH