Du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ.
Số liệu tổng kết mới nhất của Tổng cục thống kê trong 10 tháng đầu năm cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng qua đường hàng không mà lượng khách đến bằng đường bộ và đường biển cũng có sự tăng trưởng đáng kể, lần lượt chiếm 11,8% và 0,7% tổng lượng khách.
Tiềm năng của Việt Nam trong du lịch đường biển
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch TS Nguyễn Anh Tuấn, kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng, khai thác triệt để.
Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển, bởi vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực. Ngoài ra Việt Nam còn sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, với hơn 4.000 hòn đảo cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích văn hóa lịch sử lâu đời.
Những khu du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam như Hạ Long - Cát Bà, Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc… đều có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển trong khu vực và châu Á để thu hút du khách tàu biển.
“Du lịch biển trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế” - ông Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ.
Thuận lợi và thách thức cho các doanh nghiệp lữ hành
Trong thời gian 3 tháng còn lại của năm 2023, ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế và còn rất nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, cũng như để tiếp tục phát triển du lịch tàu biển nếu khắc phục được những khó khăn, hạn chế và gỡ được những rào cản cho lĩnh vực này phát triển.
Đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết từ ngày 10 đến ngày 26-11, đơn vị này đón tiếp và phục vụ 3 chuyến tàu biển quốc tế thuộc hãng Celebrity Cruises đến Việt Nam với hàng nghìn du khách quốc tế
Tuy nhiên, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, trong khi đây là dòng khách hàng có chi trả cao nên thường yêu cầu đội ngũ làm du lịch phải có kinh nghiệm.
Chủ tịch Lux Group Phạm Hà chia sẻ, hiện hầu hết hệ thống cảng biển Việt Nam chủ yếu phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nên chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp.
Giám đốc vận hành Hãng tàu Resorts World Cruises Singapore Lim Jiun Yan cho biết, để đưa khách đến du lịch, các hãng tàu biển phải chốt lịch thuê cầu bến trước cả năm, nên rất cần nước chủ nhà công bố điểm cập bến, phí cảng… ổn định, lâu dài, tránh việc giờ chót thay đổi, gây khó cho cả hãng tàu và du khách.
Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng các cơ quan hữu quan cũng cần có chính sách visa thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam.
Trên cả nước, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12 - 13 triệu lượt, tạo động lực mới góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch.
Từ tháng 10/2024, sân bay tư nhân nghìn tỷ đầu tiên của Việt Nam sẽ có thêm 2 đường bay quốc tế
Vé máy bay nội địa tăng vọt, xu hướng du lịch nào chiếm ngôi?