Để chuẩn bị tốt cho cao điểm Hè 2022 cũng như phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong giai đoạn này, các hãng hàng không đều đã lên kế hoạch bay tăng cường.
Với Vietnam Airlines, đại diện hãng cho biết, từ ngày 1/6 - 15/8, cả 3 hãng bay thuộc Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) cung ứng hơn 7,1 triệu chỗ bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 36.000 chuyến bay.
Vietnam Airlines Group cung ứng gần 6,3 triệu chỗ thị trường nội địa, tương ứng hơn 32.400 chuyến bay, tăng 10% so với cùng kỳ trước đại dịch Covid-19 là năm 2019.
Với kế hoạch bay tăng cường trên, trung bình mỗi ngày Vietnam Airlines Group khai thác xấp xỉ 430 chuyến bay nội địa mỗi ngày trong dịp cao điểm tới. Trong đó có hàng trăm chuyến bay kết nối các điểm du lịch nổi tiếng trên toàn quốc như Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Lạt, Huế, Quy Nhơn, Đồng Hới, Tuy Hòa, Côn Đảo…
Tương tự, Bamboo Airways cũng quyết định tăng 15% số chỗ so với hiện tại, chủ yếu trên các đường bay đến những điểm du lịch Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... và đường bay trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng.
Ngay cả hãng hàng không Vietravel Airlines cũng không đứng ngoài cuộc, khi quyết định tăng mỗi ngày thêm 2 chuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, 2 chuyến Hà Nội - Đà Nẵng, 1 chuyến Hà Nội - Quy Nhơn, 1 - 2 chuyến chặng TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng/Quy Nhơn/Phú Quốc.
Giá xăng tăng đẩy giá vé máy bay thêm gần nửa triệu đồng
Giới chuyên môn nhìn nhận, cao điểm Hè 2022 ghi nhận sự gia tăng chưa từng có của nhu cầu đi lại bằng máy bay trong vòng 3 năm qua, tính từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Đây có thể coi là cơ hội rất tốt để các hãng hàng không khai thác, tận dụng và phát triển hoạt động trong những năm tới.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, sự phục hồi tốt của hàng không trong thời gian vừa qua là viễn cảnh đã được dự đoán từ trước, khi dịch bệnh Covid-19 dần lắng xuống. “Đây chính là lúc ngành hàng không cần đứng dậy mạnh mẽ, tận dụng cơ hội để phục hồi” - PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
Theo chuyên gia này, việc dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và mọi hoạt động kinh tế - xã hội bước vào giai đoạn bình thường mới ngay trước thời điểm cao điểm Hè diễn ra chính là “thiên thời, địa lợi” để hàng không và du lịch phục hồi. Bởi đây chính là thời điểm làm ăn tốt nhất trong năm của 2 lĩnh vực này. Do đó, ngành hàng không và du lịch cần phải nắm bắt thật tốt, xây dựng kế hoạch cho mùa cao điểm để có thể lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Tại toạ đàm “Viet Nam case studio” thuộc khuôn khổ "Diễn đàn phát triển đường bay châu Á" diễn ra ngày 7/6 vừa qua, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định, ngành hàng không đã có không ít thời cơ thuận lợi để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Đầu tiên phải kể đến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực. Các yếu tố vĩ mô thuận lợi này sẽ mang tới nhiều cơ hội để ngành hàng không bứt phá sau đại dịch.
Bên cạnh đó, tiềm năng to lớn của thị trường hàng không, du lịch nội địa chính là một thời cơ rất lớn cho hàng không phục hồi. Theo ông Đinh Việt Sơn, nếu cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019 và chỉ riêng tháng 4 năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã đạt 3,6 triệu khách, tăng 19% so với tháng 4/2019.
Tiềm năng và nhu cầu rất lớn của thị trường nội địa thực sự là cơ hội để các hãng hàng không khai thác, tận dụng và phát tiển hoạt động trong những năm tới.
Đặc biệt, việc nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế, cũng như việc Việt Nam khôi phục lại chính sách thị thực nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước sẽ thu hút được lượng khách lớn. “Đây chính là cơ hội để các hãng hàng không khôi phục từng bước hoạt động khai thác quốc tế và là tiền đề để khôi phục toàn bộ cũng như mở rộng, phát triển hoạt động khai thác quốc tế” - ông Đinh Việt Sơn nói.