Du lịch miền núi bị “lãng quên” gần 2 thập kỷ

06-01-2022 13:29|Vân Trang

Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam chỉ tập trung vào phát triển du lịch biển, trong khi tiềm năng phát triển du lịch miền núi chưa được khai thác nhiều.

Đây là nhận định của PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng CIEM và Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” diễn ra vào chiều 5/1/2022.

PGS.TS Trần Kim Chung phân tích: Trong suốt 20 năm vừa qua, Việt Nam chỉ tập trung vào phát triển ở du lịch biển, trong khi tiềm năng phát triển du lịch miền núi chưa được khai thác nhiều, vì vậy còn rất nhiều tiềm năng.

Tại miền Bắc, Hòa Bình là một trong những địa phương có thế mạnh trong việc phát triển ngành du lịch núi và phát triển các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng “phi biển”.

Theo PGS.TS Trần Kim Chung, Hòa Bình có lợi thế nhờ có vị trí rất gần với Hà Nội, chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ đi đường. Mặc dù là một tỉnh miền núi, thế nhưng, hệ thống giao thông tại Hòa Bình cũng phát triển tương đối đồng bộ, kết nối trực tiếp với Hà Nội như Đại lộ Thăng Long hay đường Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, Hòa Bình có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển loại hình nghỉ dưỡng. Đơn cử như nguồn nước khoáng Kim Bôi hay Mỹ Hảo, đây là một trong những nguồn nước khoáng tốt nhất Việt Nam, hoàn toàn có thể kết hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, Hòa Bình còn có văn hóa Mường – đây là nền văn hóa đầy tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch.

Còn TS. Vũ Đình Ánh cho hay, du lịch núi khắc phục được các nhược điểm như tập trung đông người, sử dụng phương tiện vận tải công cộng, khó đảm bảo quy tắc 5K của Bộ Y tế. Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài, phân khúc này vẫn có sự tăng trưởng.

Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình thông tin, trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 với quy mô hơn 52.000 ha.

Trong đó, ở giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho các các cơ quan liên quan tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch.

Những năm sau đó là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ định hướng này. Đây là cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Trường cũng cho biết, với những lợi thế về quỹ đất cũng như giao thông thuận lợi, giá trị của bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nhiên tươi đẹp và môi trường trong lành, tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú.

“Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là liên kết với thủ đô Hà Nội, TP.HCM và nước ngoài để mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Trường khẳng định.

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch núi, cũng như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, thế nhưng, Hòa Bình vẫn đang gặp phải một số khó khăn khi kêu gọi đầu tư. Trong đó đáng nói nhất là khó khăn do giá đất tại đây đang ngày càng tăng cao.

Như đánh giá của TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: Một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó. Việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-lich-mien-nui-bi-lang-quen-gan-2-thap-ky-121352.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Du lịch miền núi bị “lãng quên” gần 2 thập kỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH