Kỳ tích trồng vải thiều Việt trên sa mạc: Cây ra hoa đều, kết trái rộ cho năng suất 25 tấn/ha
Cây vải Việt không chỉ sống được ở sa mạc, mà còn ra hoa đều, kết trái rộ cho năng suất hiện tại đạt 25 tấn/ha - một con số đáng kinh ngạc với loài cây vốn chỉ quen thuộc với đất đỏ bazan Việt Nam.
Theo TTXVN đưa tin, trên trang trại hiện đại của Hợp tác xã nông nghiệp Bananot Hahof (thuộc Israel), mùa vải thiều đang bước vào thời khắc sôi động nhất năm - một mùa thu hoạch không chỉ rộn ràng mà còn là minh chứng cho hành trình gần 10 năm kiên cường chinh phục sứ mệnh trồng cây trên sa mạc của con người.
Uri Shpatz, trưởng nhóm nông học của Bananot Hahof - đơn vị đang triển khai trồng giống vải thiều Hong Long (Hồng Long) hay còn gọi là giống vải U Hồng của Việt Nam từ năm 2016, cho biết họ không phải là bên đầu tiên đưa giống vải Việt Nam vào quốc gia Trung Đông này.
Theo Uri, giống vải này được nhập khẩu vào Israel khoảng 15-18 năm trước bởi Hội những nhà trồng vải Israel cùng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp ARO. Sau khi trồng, các vườn vải bắt đầu cho thu hoạch từ năm thứ 4 và đạt sản lượng tối đa sau khoảng 6-7 năm.
Uri Shpatz cho biết: “Thông thường, khi đưa một giống cây mới vào trồng tại khu vực khác, phải mất vài năm để điều chỉnh quy trình canh tác phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai”.
Ngay từ những ngày đầu, dự án đã gặp nhiều khó khăn: Đất đai khô cằn, lượng mưa thấp, nhiệt độ biến động mạnh - tất cả đều đi ngược lại với điều kiện lý tưởng của cây vải. Giống cây này vốn nổi tiếng là “khó chiều”: Sinh trưởng chậm, chu kỳ ra hoa kéo dài, cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ, độ ẩm và cả cách cắt tỉa.
Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của Bananot Hahof đã kiên trì thử nghiệm, điều chỉnh kỹ thuật rất kỹ càng từ hệ thống tưới nhỏ giọt, điều hòa vi khí hậu, đến cách xử lý ra hoa theo chu kỳ đặc biệt. Sau 3-4 năm, những chùm vải đầu tiên bắt đầu xuất hiện ổn định.
![]() |
Những chùm vải đầu mùa chín đỏ rực trên cánh đồng rộng gần 10 ha ở ngoại ô thành phố HaBonim - Ảnh: TTXVN |
Theo Uri Shpatz, "giống vải Hong Long dần thích nghi và ít cần can thiệp kỹ thuật hơn so với giống vải Mauritius mà chúng tôi từng trồng trước đây”.
Giống vải Hong Long cũng được đánh giá cao nhờ sức sống mạnh, cho năng suất cao, quả to và tỷ lệ thịt trên hạt vượt trội. Niềm tin vào giống cây vải từ Việt Nam giờ đã được đền đáp xứng đáng.
Giờ đây, nhờ vào cảm biến vi khí hậu và công nghệ nông nghiệp chính xác, mỗi khu vực trên trang trại đều được điều chỉnh tối ưu hóa về độ ẩm, ánh sáng và nhiệt độ. Cây vải không chỉ sống được, mà còn ra hoa đều, kết trái rộ. Năng suất hiện tại đạt 25 tấn/ha - một con số đáng kinh ngạc đối với loài cây vốn chỉ quen thuộc với đất đỏ bazan Việt Nam.
“Khách hàng ở châu Âu mê mẩn vải thiều vì hương thơm tự nhiên và vị ngọt thanh đặc trưng”, Uri chia sẻ. “Nhưng vì trái vải có vòng đời rất ngắn sau khi hái, nên khâu hậu cần phải cực kỳ khắt khe – không có chỗ cho sai sót. Các thị trường chính nhập khẩu vải từ Israel là các quốc gia Tây Âu như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan và Italy".