Dự phóng KQKD quý I/2025 của nhóm dầu khí: ‘Mặt trời đang lặn’ trên những giếng dầu?
Ngành dầu khí quý I/2025 được đánh giá phân hóa mạnh: Nhóm hạ nguồn, trung nguồn gặp khó vì giá dầu và crack spread giảm, trong khi một vài doanh nghiệp thượng nguồn lại tận dụng tốt cơ hội dịch vụ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh VN-Index có thể tăng trưởng lợi nhuận khoảng 17% trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước, theo dự phóng từ Chứng khoán MB (MBS), nhóm cổ phiếu dầu khí lại đang đi ngược xu hướng. Không nằm trong số những nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng hay bất động sản, dầu khí – cùng với hàng không – là hai lĩnh vực được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong ba tháng đầu năm.
Nguyên nhân chính đến từ diễn biến giá dầu Brent thế giới theo xu hướng giảm. Từ mức 75 USD/thùng đầu năm, giá dầu từng tăng lên vùng 82 USD/thùng vào giữa tháng 1 nhưng sau đó nhanh chóng giảm sâu về vùng 70–72 USD/thùng. Sự suy yếu này đến từ nhu cầu chưa phục hồi rõ rệt trong khi lượng tồn kho duy trì ở mức cao. Giá dầu giảm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí, đặc biệt là ở mảng hạ nguồn như lọc dầu và phân phối xăng dầu.
Doanh nghiệp lọc dầu và phân phối đối mặt nhiều sức ép
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là cái tên điển hình trong nhóm có thể ghi nhận kết quả kinh doanh quý I kém tích cực. MBS dự báo lợi nhuận quý I/2025 của BSR có thể giảm tới 53% so với cùng kỳ, do crack spread (chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô đầu vào) giảm mạnh.
Cụ thể, crack spread châu Á với xăng, diesel và nhiên liệu phản lực lần lượt giảm 13%, 10% và 18%. Dù lợi nhuận cả năm của BSR vẫn được kỳ vọng tăng gần 2,9 lần so với năm trước nhờ nền lợi nhuận thấp, quý I rõ ràng là khoảng lặng đáng chú ý.
Tình hình cũng không khả quan hơn với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX). Mặc dù lợi nhuận cả năm ước tăng 27%, quý I lại là giai đoạn khó khăn khi PLX có thể sụt giảm lợi nhuận tới 77% trong bối cảnh giá dầu không thuận lợi.
Khí và nhóm vận tải phân hóa mạnh
Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) được dự báo tăng trưởng lợi nhuận cả năm khoảng 8%, nhưng riêng quý I có thể giảm nhẹ 2%. Lý do là sản lượng khí khô không cao do không phải mùa cao điểm huy động điện, trong khi giá dầu thấp hơn kéo giảm giá bán khí đầu ra. Dù vậy, hoạt động kinh doanh LPG có thể đóng vai trò bù đắp phần nào khi thị trường này đã được mở rộng trong năm 2024.
Ở lĩnh vực vận tải dầu khí, Tổng Công ty Vận tải Dầu khí (PVT) có phần ổn định hơn. Doanh thu và lợi nhuận quý I được dự báo tăng nhẹ 6%, nhờ đội tàu tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nền giá cước thấp khiến mức tăng không thực sự nổi bật.
- Áp lực từ giàn khoan khiến PVD hụt hơi: Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) là một trong những mã chịu ảnh hưởng rõ nét từ điều kiện thị trường không thuận lợi. Lợi nhuận quý I có thể giảm tới 22%, cả năm giảm 7%. Một số giàn tự nâng như PV Drilling VI tạm ngưng sửa chữa từ tháng 3 đến giữa tháng 4, cộng với thanh lý giàn Landrig 11 và việc bảo dưỡng nhiều giàn khác khiến hiệu suất hoạt động thấp hơn, đồng thời chi phí phát sinh tăng lên. Đây là nguyên nhân chính khiến PVD chưa thể ghi nhận sự phục hồi trong ngắn hạn.
![]() |
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận Q1/2025 và cả năm 2025 các nhóm ngành (Nguồn: MBS dự phóng) |
PVS – điểm sáng hiếm hoi trong nhóm dầu khí: Trái ngược với bức tranh ảm đạm của phần lớn doanh nghiệp dầu khí, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) là cái tên hiếm hoi được kỳ vọng có kết quả tích cực trong quý I/2025. Doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai các gói EPCIC thuộc dự án Lô B – Ô Môn và dự án điện gió Greater Changhua 2b&4. Biên lợi nhuận gộp từ các dự án dầu khí trong nước được kỳ vọng cao hơn so với các dự án điện gió ngoài khơi.
>> Lỗ hơn 6.800 tỷ đồng vì nhà máy hóa dầu 5 tỷ USD, đại gia Thái Lan đề xuất Chính phủ Việt Nam hỗ trợ