Đưa AI vào điều trị bệnh nhân đột quỵ đến viện quá 'giờ vàng'
Sáng tỉnh dậy, anh Đ.V.T, 40 tuổi, đột ngột yếu nửa người phải, nói khó, được đưa vào cấp cứu ở giờ thứ 2 từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ.
Lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng lơ mơ, không nói được, liệt nửa người phải, tiên lượng xấu, lập tức được chụp cắt lớp vi tính (CT). Hình ảnh chụp được gửi lên hệ thống lưu trữ và quản lý hình ảnh (PACS) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, có tích hợp phần mềm Rapid để định lượng chính xác vùng lõi nhồi máu và vùng tổn thương thiếu máu não. Chỉ 30 giây đến 3 phút, Rapid gửi kết quả tính toán cho từng bác sĩ trong "nhóm đột quỵ Quảng Ninh".
Bệnh nhân này bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não. Phần mềm Rapid ghi nhận vùng não cần cứu sống và vùng não đã tổn thương không hồi phục tỷ lệ là 1,9. Trong khi đó nếu chỉ có kết quả chụp CT mạch não, chỉ xác định được vị trí tắc mạch, không thể đánh giá được nếu can thiệp lấy huyết khối bệnh nhân có khả năng phục hồi hay không.
Dựa vào đánh giá của Rapid, bác sĩ quyết định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết kết hợp lấy huyết khối động mạch não. Sau can thiệp, bệnh nhân phục hồi tốt, cơ lực tay chân bên phải hồi phục hoàn toàn 5/5...
Đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân đột quỵ đến quá "giờ vàng"
Phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) Rapid là ứng dụng đánh giá và phân tích hình ảnh tự động về tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ. Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa I Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho hay với phần mềm Rapid, bác sĩ sẽ thấy được rõ vùng não đã chết và vùng thiếu máu cần cứu sống để đưa ra quyết định can thiệp chính xác, kịp thời nhất, giúp bệnh nhân thêm cơ hội sống, hạn chế di chứng về sau.
"Phần mềm này đặc biệt hiệu quả cho nhóm bệnh nhân nhồi máu não đến trễ sau 6 giờ - giờ vàng, hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ, như bị đột quỵ khi ngủ", bác sĩ Chức cho hay. Bên cạnh đó, phần mềm cũng hỗ trợ đo thể tích khối máu tụ với những trường hợp xuất huyết não, từ đó bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác để có hướng điều trị phù hợp.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân 54 tuổi, đến viện ở giờ thứ 12 từ khi có dấu hiệu đầu tiên, lúc này bệnh nhân khi đã bị liệt hoàn toàn. Chia sẻ nguyên nhân đến viện muộn, người nhà cho biết thấy ông yếu, tê người, miệng méo... gia đình tưởng ông bị cảm nên đánh cảm và làm nhiều biện pháp khác. Đến khi bệnh nhân yếu hẳn mới đưa vào viện.
"Thông thường, với bệnh nhân đến viện sau 6 giờ hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ, bác sĩ sẽ không can thiệp lấy huyết khối vì nguy cơ xuất huyết não cao", bác sĩ Chức cho biết. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Rapid, bệnh nhân được đánh giá đủ điều kiện lấy huyết khối. Sau can thiệp, tái thông mạch máu não, bệnh nhân được cứu sống, dần phục hồi. Tuy nhiên, tỷ lệ và mức độ phục hồi sẽ không đạt tối đa như bệnh nhân đến viện sớm.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thứ 3 sau Thái Lan và Indonesia ứng dụng phần mềm Rapid trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị đột quỵ. Bác sĩ Chúc cho hay thời điểm ứng dụng (từ năm 2021), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là một trong 2 bệnh viện ở miền Bắc tiên phong triển khai phần mềm Rapid trong cấp cứu đột quỵ, cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Đến nay, viện đã triển khai trên hàng chục bệnh nhân.
"Nhiều trường hợp được cứu sống, phục hồi nhanh chóng, buổi sáng vào viện cấp cứu đột qụy, buổi chiều đã có thể vận động, đi lại", bác sĩ cho hay.
Khả năng kết nối, hội chẩn online
Ngoài tác dụng kéo dài "giờ vàng" để can thiệp lấy huyết khối cho bệnh nhân, Rapid còn giúp bác sĩ rút ngắn thời gian tối đa chẩn đoán người bệnh và đưa ra quyết định nhanh nhất, thậm chí có thể rút ngắn được 1 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, bác sĩ Chúc tâm huyết với khả năng kết nối, hội chẩn online mà phần mềm tích hợp AI này mang lại.
"Nhóm 'đột quỵ Quảng Ninh' chúng tôi gồm các chuyên gia từ trung ương, đến tỉnh. Ngay khi có kết quả, Rapid gửi ngay tới hộp thư điện tử cho từng bác sĩ trong nhóm, để bất kỳ ai ở đâu, vào giờ nào cũng có thể tiếp cận và đưa ra ý kiến. Nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh, bị đột quỵ nhưng qua "giờ vàng", được thầy thuốc ở Hà Nội hỗ trợ góp ý, giúp giảm tỷ lệ biến chứng tàn phế, giảm chi phí chăm sóc y tế, mang lại cơ hội cho bệnh nhân", bác sĩ Chức chia sẻ.
Đột quỵ não hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch, ung thư và là nguyên nhân thường gặp nhất gây tàn phế tại nước phát triển, để lại gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội.
Mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận khoảng 400-450 ca đột quỵ, trong đó có nhiều ca trẻ, hầu hết do vỡ túi phình dị dạng mạch máu não. Với người lớn tuổi, chủ yếu bị đột quỵ do tắc mạch máu não (do xơ vữa mạch máu, hẹp mạch máu). Phần lớn các ca bệnh nhập viện trễ “giờ vàng” hoặc không xác định được chính xác thời điểm đột quỵ, vì vậy rất nhiều bệnh nhân bị bỏ lỡ cơ hội điều trị tái tưới máu.
Nga dự kiến phát miễn phí vắc xin ung thư cho bệnh nhân
Hàng loạt tên tuổi lớn tham gia ủy ban tiêu chuẩn AI của Trung Quốc