Đừng đùa với thẻ tín dụng: Vừa có người bị ngân hàng cho hầu tòa vì thiếu nợ 10 triệu đồng!

10-08-2022 16:51|Linh Linh

Khách hàng có thể bị ngân hàng dẫn ra tòa vì lỡ hoặc cố tình "quên" trả nợ thẻ tín dụng mỗi tháng, đã vậy còn phải chịu toàn bộ án phí...

Những năm gần đây, các ngân hàng đẩy mạnh việc phát hành thẻ tín dụng. Điều này dẫn đến thực tế là, rất nhiều người dân đã hình thành thói quen trong ví có thể không có đồng tiền mặt nào nhưng không thể không có thẻ tín dụng ngân hàng.

Khi Thẻ tín dụng trở thành vật "bất ly thân" của nhiều người trẻ thì đồng thời, các cạm bẫy nó mang lại khiến nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần khó thoát.

Bản chất của thẻ tín dụng là mượn tiền trước để sử dụng sau đó đến kỳ phải trả lại. Nhưng, không có bữa trưa nào là miễn phí. Nhiều người không kiểm soát được chi tiêu cũng như nguồn thu nhập khiến khoản vay thẻ tín dụng trở thành nợ xấu, nhiều người không có khả năng hoàn trả.

Từ chuyện có người bị ngân hàng cho hầu tòa vì thiếu nợ thẻ tín dụng 10 triệu đồng

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP. Thủ Đức-TP.HCM vừa xử lý vụ án một ngân hàng đưa khách hàng ra hầu tòa vì nợ thẻ tín dụng. Theo bản án đã được tòa án phân xử, phần thắng đã thuộc về ngân hàng. Khách chây ỳ nợ không những bị ép phải trả nợ mà còn phải chịu án phí.

Câu chuyện xảy ra cụ thể như sau:

Vào ngày 11/3/2014, ông Đ.V.H ký Giấy đề nghị cấp thẻ tín dụng kiêm phương án vay vốn, hợp đồng tín dụng và hợp đồng sử dụng thẻ với Ngân Hàng TMCP NA* (*viết tắt). Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ, ông H. đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi phát sinh. Ngân hàng đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện để ông H. trả nợ nhưng ông H. vẫn không thực hiện.

Tính đến ngày 23/11/2021, tổng số tiền ông H còn nợ Ngân hàng là hơn 14,6 triệu đồng; trong đó nợ gốc là hơn 9,1 triệu đồng và nợ lãi là hơn 5,5 triệu đồng. 

Ngân hàng đâm đơn khởi kiện ông H. lên tòa án và tòa án đã tống đạt các văn bản của tòa án, đề nghị ông H lên hầu tòa nhưng ông H. vắng mặt. Nhiều lần tòa án triệu tập ông H. đến tòa để tham gia tố tụng, giải quyết vụ án nhưng ông H. vẫn "trốn", không đến tòa. Tòa án đã đưa ra tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của NHTMCPNA là buộc ông Đ.V.H có trách nhiệm trả cho NHTMCPNA số tiền nợ gốc và tiền lãi tính đến ngày 30/6/2022 là hơn 17,1 triệu đồng.

Không chỉ thế, ông Đ.V.H có trách nhiệm chịu hoàn toàn án phí dân sự sơ thẩm hơn 850.000 đồng. 

Như vậy là, dù cố tình trốn nợ, trốn đến tòa án nhưng từ số tiền gốc chưa đến 10 triệu đồng, ông H bị kiện ra toà, thua kiện và phải trả cả gốc, lãi lẫn tiền phí tòa án.

Đừng đùa với thẻ tín dụng

Việc ngân hàng khởi kiện khách hàng là chuyện như cơm bữa nhưng khởi kiện do nợ thẻ tín dụng có lẽ đây là lần đầu. Đặc biệt, khởi kiện khi khách nợ số tiền mà nhiều người cho là khá nhỏ thì lại càng hiếm. Tuy số tiền nhỏ nhưng, việc khởi kiện lần này của ngân hàng NA như một lời cảnh báo lớn đối với những người đang quá lạm dụng thẻ tín dụng.

Trước đây, nhiều người khá thờ ơ trong việc sử dụng thẻ để chi tiêu vì không ngờ rằng ngân hàng đâm đơn kiện lên tòa. Sự thờ ơ đó có thể sẽ phải trả giá đắt. Theo luật định, việc ngân hàng khởi kiện để đòi nợ quá hạn xảy ra khá thường xuyên. Cụ thể:

Khi nào ngân hàng kiện đòi nợ quá hạn?

Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Theo quy định trên, bên vay có nghĩa vụ trả đủ số tiền đã vay khi đến hạn. Nếu không nhận đủ số tiền đã cho vay, bên cho vay có quyền kiện ra Tòa án để đòi hết số tiền còn lại.

Đối với trường hợp vay tiền ngân hàng nhưng không trả được nợ khi quá hạn, tùy vào chính sách của từng ngân hàng mà thời gian nợ xấu bị kiện ra tòa sẽ khác nhau.

Dựa trên mức độ thiện chí và khả năng trả nợ của khách hàng, các ngân hàng sẽ có các giải pháp xử lý nợ xấu khác nhau.

Trường hợp khách hàng không hợp tác, ngân hàng có thể áp dụng các biện pháp mạnh như thu giữ tài sản, khởi kiện hay thậm chí là chuyển hồ sơ lên cơ quan công an để xử lý hình sự.

Bộ luật Dân sự 2015, trong đó tại Điều 466

Chính vì ngân hàng có "cán cân quyền lực" hỗ trợ đòi nợ nên đương nhiên, "con nợ" dù có cố tình chây ì cũng khó lòng thoát. Nếu "dính" trát của tòa án, các hoạt động tài chính của con nợ sau này sẽ càng lúc càng khó hơn. 

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, dù liên tục báo lãi "đậm" trong nửa đầu năm nhưng các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với áp lực không nhỏ về nợ xấu trong tương lai, nhất là khi Thông tư 14 đã hết hạn từ ngày 30/6.

Các ngân hàng do đó sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, kéo theo thách thức về tăng trưởng lợi nhuận.

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dung-dua-voi-the-tin-dung-vua-co-nguoi-bi-ngan-hang-cho-hau-toa-vi-thieu-no-10-trieu-dong-143764.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đừng đùa với thẻ tín dụng: Vừa có người bị ngân hàng cho hầu tòa vì thiếu nợ 10 triệu đồng!
POWERED BY ONECMS & INTECH