Xã hội

'Đường Tăng của Việt Nam' là ai?

Lưu Đình Long - Ảnh: Phật Sự Online 19/10/2024 21:15

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nhận định: "Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đóng góp lớn cho Phật học Việt Nam".

Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và hội thảo chủ đề Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn diễn ra ngày 19/10 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP Thủ Đức, TPHCM), do Viện Nghiên cứu Phật học VN kết hợp Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM tổ chức.

Theo đó, Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh việc in ấn Đại Tạng kinh Việt Nam là nguyện vọng sâu sắc của toàn thể tăng ni từ xưa đến nay.

Khi GHPGVN được thành lập, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự nghĩ ngay đến việc thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam.

Theo ông, trải qua 35 năm (1989 - 2024), Viện đã làm được một số việc đáng khích lệ. Những thành tựu đó nhờ công viện trưởng sáng lập - đức cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918 - 2012).

“Ngài là người dày công nghiên cứu Phật giáo Nam truyền, làm gạch nối giữa Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam. Những công trình của ngài đóng góp lớn cho Phật học Việt Nam; giúp tăng ni, phật tử chúng ta có cái nhìn từ Đại thừa Phật giáo về Nguyên thủy Phật giáo một cách xuyên suốt. Đây là công đức rất lớn mà ngài đã làm được và để lại chúng ta hôm nay”, Hòa thượng Thích Trí Quảng.

Anh Hoithao 3.jpg
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng phát biểu.

Đức Pháp chủ kêu gọi sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy để phát triển bền vững. Ngài bày tỏ hy vọng chư tôn đức lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà nghiên cứu để củng cố và phát triển Giáo hội.

Ông cho rằng nền tảng Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Đại thừa, lấy việc xây dựng đất nước, phát triển dân tộc, dấn thân hành đạo vì lợi lạc cho cuộc đời làm lý tưởng đặt lên cao nhất.

Nhờ tinh thần đó, tiền nhân đã dấn thân trên con đường truyền thống hộ quốc an dân khiến thế giới thán phục.

Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng nhấn mạnh người hành giả dấn thân đi vào cuộc đời mà không đánh mất lý tưởng giải thoát giác ngộ là vì không xa rời Phật giáo Nguyên thủy - những lời dạy căn bản của Đức Phật.

Hòa thượng Thích Giác Toàn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cho biết Viện được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu Phật học cho tăng ni, phật tử trong nước và hải ngoại.

Theo ông, Hòa thượng Thích Minh Châu đã đặt nền tảng vững chắc cho Viện với các công trình dịch thuật và nghiên cứu kinh điển.

“Dưới sự lãnh đạo của các viện trưởng qua các thời kỳ, Viện đã mở rộng quy mô và thiết lập nhiều trung tâm nghiên cứu chuyên biệt. Trong đó, dự án Đại tạng kinh Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, góp phần tạo nên di sản văn hóa Phật giáo quý giá", Hòa thượng Giác Toàn nói.

Anh Hoithao 10.jpg
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn.

Tại sự kiện, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cho đây là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển nghiên cứu Phật học tại Việt Nam.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết của 2 hội thảo Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìnKhám phá liên kết lịch sử, văn hóa và tâm linh giữa Ấn Độ và Việt Nam.

“Ngài được vinh danh không chỉ là học giả xuất sắc mà còn là lãnh đạo đầy tâm huyết, đã cống hiến to lớn cho Phật giáo thông qua giáo dục, dịch thuật và mở rộng các cơ sở học thuật. Những đóng góp của ngài không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn để lại ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng”, đức Phó Pháp chủ nói.

Sau phiên khai mạc, hội thảo đầu tiên chia làm 2 phiên với 5 diễn đàn về Hòa thượng Thích Minh Châu, tập trung vào 5 khía cạnh gồm: nhà nghiên cứu Phật học, nhà giáo dục Phật giáo, sự nghiệp phiên dịch Kinh tạng Pali, nhà ngoại giao Phật giáo quốc tếquản trị hành chính GHPGVN với hơn 80 bài tham luận từ các học giả trí thức.

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thành lập năm 1989 với mục tiêu bảo tồn và phát huy tri thức Phật giáo Việt Nam. Đơn vị đã tích cực nghiên cứu, dịch thuật và xuất bản các kinh điển, đóng góp lớn cho văn hóa Phật giáo trong nước và quốc tế.

Viện trưởng sáng lập là Hòa thượng Thích Minh Châu - được ví như "Đường Tăng của Việt Nam".

Hiện nay, Viện mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nghiên cứu với dự án Tam tạng Thánh điển Việt Nam hoàn thành nhiều tập kinh điển quan trọng. Đơn vị cũng tổ chức nhiều hội thảo khoa học và xuất bản hơn 100 đầu sách, góp phần phát triển học thuật.

Tương lai, Viện đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế và giáo dục thế hệ kế thừa.

>> Chuyện ít biết về ngôi chùa nổi tiếng sở hữu 2 'báu vật' hiếm gặp ở TPHCM

Hơn 1 triệu người đổ về chinh phục con đường mòn đi bộ nguy hiểm nhất thế giới, dẫn lên ngọn núi cao 2.000m 'cõng' nhiều di tích Phật giáo đặc biệt

80 quốc gia cùng 10.000 Phật tử quy tụ về Việt Nam tham gia ngày hội lớn nhất của tín đồ Phật giáo trên thế giới

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hoa-thuong-thich-minh-chau-duong-tang-cua-viet-nam-2333561.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Đường Tăng của Việt Nam' là ai?
    POWERED BY ONECMS & INTECH