Du khách quốc tế đến Việt Nam không như kỳ vọng khiến kinh doanh dịch vụ lưu trú tại thành phố sôi động du lịch nhất nước trở nên đìu hiu.
Do tác động nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19, việc thu nhập kinh tế giảm cùng giá cả hàng hóa leo thang đã ảnh hưởng trực tiếp tới hầu bao của người dân. Điều này cũng khiến cho nhu cầu du lịch của khách trong nước và quốc tế cũng giảm theo.
Theo số liệu thống kê, năm 2022, TP.HCM đón gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn 59% so với năm 2019. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171% so với năm 2021 nhưng thấp hơn 14% so với năm 2019.
Vắng bóng khách du lịch quốc tế, nhiều khách sạn ở trung tâm TP.HCM phải rao bán hoặc treo biển cho thuê lại, không ít nơi đang được cải tạo thành văn phòng.
Chẳng hạn như Amore Saigon Hotel nằm trên đường Nguyễn Trãi (Quận 1, TP.HCM) cửa đóng, then cài đã lâu với chi chít những tấm biển cho thuê hoặc sang nhượng. Khi liên hệ, môi giới báo chủ nhà đổi ý không bán mà chỉ cho thuê. Giá thuê cố định, không thương lượng thêm với khách sạn 15 phòng này là 7.000 USD (khoảng 165 triệu đồng). Nếu chỉ thuê phần tầng trệt để kinh doanh, giá thuê là 4.000 USD (khoảng 100 triệu đồng).
Trường hợp như khách sạn Amore nói trên không phải là duy nhất. Giờ đây, không khó để bắt gặp những khách sạn với tình trạng tương tự trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM. Thậm chí, một khách sạn nằm trên “đất vàng" ngay ngã tư Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực (Quận 1) được rao bán từ tháng 9/2022 với giá 155 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có chủ mới.
Cũng trên tuyến đường Lê Thánh Tôn vốn sầm uất này, khách sạn Anpha Boutique đã đóng cửa và dán bảng cho thuê nhiều tháng nay.
Trong khi đó, khách sạn 4 sao Lavender từng rất đông khách nhờ vị trí đẹp ngay ngã 4 Lý Tự Trọng và Trương Định, cũng đã đóng cửa sau đợt dịch Covid-19 thứ 4. Hiện nơi này đang được xây sửa để làm văn phòng.
Khu vực phố Tây Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu (quận 1) cũng không khá khẩm hơn là bao khi vẫn vắng bóng khách du lịch quốc tế...
Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, chưa khi nào, nội dung liên quan bán khách sạn lại nhiều như lúc này. Hàng loạt khách sạn trên những tuyến đường đông đúc du khách nước ngoài như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, Thái Văn Lung, Đề Thám, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thái Học, Thủ Khoa Huân,... rao bán.
Theo khảo sát của Savills, năm 2022, công suất phòng khách sạn tại TP.HCM đạt 45%, tăng 20 điểm phần trăm so với 2021, nhưng thấp hơn 23 điểm phần trăm so với năm 2019. Riêng quý 4/2022, công suất phòng đạt 62%, trong khi đó giá phòng trung bình đạt 1,8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 9% so với quý 3.
Thị trường ảm đạm khiến các doanh nghiệp dịch vụ du lịch vất vả thay đổi chiến lược. Theo chủ một doanh nghiệp chia sẻ, mùa cao điểm khách du lịch quốc tế thường vào qua Tết Nguyên đán đến hết tháng 5. Tuy nhiên, năm nay, vào tháng 2 đã vắng dù du lịch Việt Nam mở cửa đã 1 năm. Vì vậy, các công ty du lịch giờ đây chỉ biết trông đợi vào mùa cao điểm quốc tế sắp tới, từ tháng 10 trở đi.