CEO Tesla Elon Musk cho biết, ông cảm nhận nền kinh tế đang tệ đi và cần phải cắt giảm khoảng 10% việc làm tại nhà máy sản xuất ô tô điện.
Trong một email được gửi đi vào thứ Năm (giờ Mỹ) có tiêu đề là: "Tạm dừng tất cả việc tuyển dụng trên toàn cầu". Thông báo được đưa ra hai ngày sau khi vị tỷ phú ra tối hậu thư yêu cầu nhân viên phải lựa chọn hoặc là quay trở lại làm việc hoặc là rời đi. Trong email, ông cũng cảnh báo thêm về những nguy cơ suy thoái của nền kinh tế.
Số liệu cuối năm ngoái cho thấy Tesla đã tuyển dụng gần 100.000 nhân viên. Hiện thông tin theo Reuters đưa chưa được phía Tesla xác nhận hay bình luận.
Tuy nhiên, ngay sau bài báo này, cổ phiếu Tesla đã giảm gần 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (3/6) tại Mỹ và giảm 3,6% trên sàn niêm yết tại Frankfurt.
Trong những tuần gần đây, Elon Musk đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ suy thoái, tuy nhiên email ra lệnh đóng băng mọi hoạt động tuyển dụng, đồng thời cắt giảm nhân sự trên toàn cầu là thông điệp trực tiếp và cao nhất từ người đứng đầu một hãng sản xuất xe.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhu cầu đối với xe điện Tesla cũng như các loại xe điện khác vẫn mạnh mẽ. Vậy nhưng, Tesla cũng đang phải vật lộn để tái khởi động lại sản xuất ở nhà máy ở Thượng Hải sau khi COVID-19 khiến các hoạt động bị ngừng trệ.
Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng ING (Hà Lan) Carsten Brzeski nói rằng cảm giác tồi tệ của Elon Musk nhận được sự đồng cảm của nhiều người. "Chúng tôi dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái vào cuối năm nay. Mỹ sẽ suy thoái, trong khi Trung Quốc và châu Âu sẽ chưa thể phục hồi".
Lạm phát ở Mỹ đã lên tới kỷ lục trong vòng 40 năm đẩy chi phí sinh hoạt của người dân tăng vọt. Trong khi đó, Cục dự trữ và liên bang (FED) đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vừa giảm lạm phát vừa không gây ra suy thoái.
Elon Musk - vị tỷ phú giàu nhất thế giới theo thống kê của Forbes, đã không nói rõ lý do vì sao ông cảm thấy tồi tệ với triển vọng về nền kinh tế trong email gửi các quản lý Tesla mà Reuters có được.
Một số nhà phân tích đã giảm kỳ vọng cho Tesla, khi dự báo thời gian giao hàng sẽ chậm hơn do Trung Quốc đóng cửa và thiếu hụt sản lượng tại nhà máy ở Thượng Hải - một đơn vị sản xuất xe điện cho thị trường Trung Quốc và thế giới. Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng giao hàng toàn cầu của Tesla trong năm ngoái.
Trước yêu cầu mới nhất của Elon Musk, Tesla đã đăng khoảng 5.000 tin tuyển dụng trên LinkedIn cho các vị trí từ bán hàng tại Tokyo tới kỹ sư tại nhà máy ở Berlin tới các nhà khoa học nghiên cứu máy học ở Palo Alto.
Họ cũng đã lên kế hoạch cho việc tuyển dụng trực tuyến tại Thượng Hải vào ngày 9/6 trên kênh WeChat.
Trước đó, yêu cầu trở lại văn phòng làm việc của Tesla đã vấp phải sự phản đối tại Đức. "Mỗi nhân viên ở Tesla phải có mặt 40h làm việc tại văn phòng. Nếu bạn không đến công ty, chúng tôi sẽ mặc định coi là bạn tự nghỉ việc", Elon Musk viết trong một email vào đầu tuần này.
Đáp lại yêu cầu cứng nhắc này, tỷ phú Australia kiêm đồng sáng lập Atlassian Plc, Scott Farquhar đã nói rằng văn phòng giống như một thứ gì đến từ những năm 1950.
Jason Stomel, người sáng lập cơ quan tài năng công nghệ Cadre nhận định yêu cầu quay trở lại làm việc của Elon Musk là "một sự sa thải trá hình. Có nghĩa là họ có thể loại bỏ những nhân viên đang mệt mỏi hoặc không đáng bị sa thải".
"Musk biết rằng sẽ có một tỷ lệ phần trăm người lao động sẽ không quay trở lại. Điều này sẽ giúp Tesla cắt giảm chi phí cho thôi việc vì công nhân đã tự ý nghỉ việc", ông nói thêm.
CNN: Ông Trump có thể yêu cầu bỏ chế độ làm việc từ xa để cắt giảm chi phí
Tỷ phú Elon Musk hé lộ về kế hoạch cắt giảm hàng loạt nhân sự liên bang