Em dâu bà Trương Mỹ Lan ngỡ ngàng khi biết gây thiệt hại lớn cho người dân
Cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Trương Mỹ Lan) khai, sau khi đọc kết luận điều tra đã rất ngỡ ngàng, không hề biết đã gây thiệt hại cho người dân lớn đến như vậy.
Chiều nay (20/9), phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo ở nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thừa nhận hành vi phạm tội, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) khai, bị cáo nhận chủ trương phát hành trái phiếu Công ty Setra từ bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB).
Về phương án chạy dòng tiền khống, Dung khai tiếp nhận lại công việc theo chỉ đạo của bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB - đã mất) nên hoàn toàn không biết gì. Tuy nhiên, bị cáo lại thừa nhận đã giúp sức để bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trái phiếu.
Theo cáo buộc, sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Hoàng và nhận phương án dòng tiền khống do Trịnh Quang Công (cựu Giám đốc Công ty Acumen) và Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty SPG) lập, Dung chỉ đạo thuộc cấp hợp thức chứng từ; đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống Ngân hàng SCB, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu.
Hành vi của Dung đã giúp bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của hơn 2.400 bị hại.
Bị cáo Hoàng khai, biết rõ mục đích của bà Lan khi phát hành trái phiếu là để huy động tiền của người dân đem sử dụng cho các mục đích của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Sau khi nhận thông báo về việc bị cáo Lan chọn Công ty Setra phát hành trái phiếu (giá trị 2.000 tỷ đồng), bị cáo đã chỉ đạo Công, Dung và Phương Anh lên phương án chạy dòng tiền khống tạo lập nhà đầu tư sơ cấp. Theo Hoàng, bị cáo Lan phát hành trái phiếu của Công ty Setra để lấy tiền trả lãi cho 3 gói trái phiếu do Công ty An Đông phát hành.
“Bị cáo cảm thấy xót xa cho các bị hại, bản thân mẹ, vợ của bị cáo cũng mua trái phiếu của Công ty Setra”, bị cáo Hoàng ngậm ngùi nói.
Bị cáo Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông), khai tiếp nhận chủ trương phát hành trái phiếu cho Công ty An Đông từ chị chồng là bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bị cáo khẳng định không bàn bạc, thống nhất gì về việc phát hành trái phiếu với bị cáo Lan.
“Sau khi tiếp nhận chủ trương phát hành trái phiếu, bị cáo chỉ ký hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông và sau này là ký phát hành trái phiếu. Bị cáo chỉ đứng tên Chủ tịch HĐQT chứ không quản lý, không tham gia hoạt động của Công ty An Đông”, bị cáo Nhã khai.
Trước câu hỏi của HĐXX về việc nhận thức như thế nào về hậu quả do mình gây ra, bị cáo Nhã nghẹn giọng: “Sau khi đọc kết luận điều tra, bị cáo rất ngỡ ngàng không hề biết đã gây thiệt hại cho người dân lớn đến như vậy; thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó. Bị cáo đã nhờ gia đình khắc phục 2 tỷ đồng”.
Cũng thừa nhận hành vi phạm tội, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) khai, sau khi nhận chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan về việc phát hành trái phiếu, bị cáo trình HĐQT để triển khai thực hiện.
Về việc chỉ đạo khối bán lẻ triển khai tổ chức bán hàng, đào tạo sản phẩm mới cho giám đốc và các nhân viên bán hàng tại các chi nhánh và phòng giao dịch SCB, Văn khai có một bộ tài liệu nội bộ SCB xây dựng để đào tạo trước khi tư vấn cho khách hàng.
Bị cáo Văn khẳng định bản thân không tham gia tạo lập trái phiếu và không được hưởng lợi gì.
“Lúc đó bị cáo nghĩ rằng đó là khai thác nguồn tài nguyên khách hàng mà SCB đã nỗ lực nhiều năm mới có được. Khi xảy ra sự việc bị cáo rất đau lòng, không nghĩ rằng lại gây tác hại cho quá nhiều người dân.
Về kịch bản chạy dòng tiền, quản lý tài khoản khách hàng, bị cáo không tham gia chỉ đạo và không biết. Bị cáo cũng không chỉ đạo nhân viên SCB ký chứng từ khống để lập dòng tiền”, bị cáo Văn bật khóc nói.
Xe khách tăng giá vé cao nhất 60% dịp Tết Ất Tỵ
Hé lộ 3 tuyến đường đầu tiên tại TP. HCM sẽ thí điểm thu phí đỗ ô tô bằng công nghệ mới