Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, cơ chế giá trần với khí đốt sẽ được kích hoạt nếu giá mặt hàng này vượt quá 275 Euro/MWh liên tục trong vòng 2 tuần liên tục.
Mới đây, EU họp bất thường tại Brussels đã không thể nhất trí biện pháp áp giá trần khí đốt và dầu mỏ nhập từ Nga.
Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, cơ chế giá trần với khí đốt sẽ được kích hoạt nếu giá mặt hàng này vượt quá 275 Euro/MWh liên tục trong vòng 2 tuần liên tục.
Song thực tế cho thấy, ngay cả thời điểm giá khí đốt kỷ lục như hồi tháng 8, quanh mức 350 Euro/MWh thì thời gian duy trì mức giá trên cũng chỉ là một tuần. Do vậy, ngưỡng giá trần 275 Euro đang là quá cao. Chưa kể, giá khí đốt lúc này cũng giảm chỉ còn khoảng 120 Euro.
15/27 nước thành viên EU lại nhất trí áp giá trần khí đốt, song phải là một mức giá thấp hơn.
Ông Konstantinos Skrekas - Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hy Lạp cho hay: "Mức trần giữa 152 và 100 Euro sẽ thực tế hơn và giúp giảm giá khí đốt. Đó mới là thách thức chính ở châu Âu trong mùa đông này và mùa đông tới".
Trong khi đó, Hà Lan, Thuỵ Điển, Áo và Phần Lan lên tiếng phản đối bất kỳ mức giá trần nào vì lo ngại thị trường tự do vận hành theo lợi nhuận, can thiệp quá sâu có thể phản tác dụng.
Áp đặt giá trần là một cơ chế có tham vọng điều chỉnh thị trường tự do, có thể làm cho các nhà giao dịch không còn muốn bán khí đốt cho châu Âu nữa. Chúng ta cần phải làm theo cách khác", ông Rob Jetten - Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan cho hay.
Còn với vấn đề giá trần dầu mỏ, hiện các nước thành viên EU cũng chưa thể đạt được thỏa thuận chung như đề xuất của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) từ 65 - 70 USD/thùng cho dầu nhập khẩu từ Nga theo đường biển.
Phía Nga lập tức cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ của nước này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin, Nga cho hay: "Thật khó để dự đoán biện pháp trên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường năng lượng. Hiện tại, chúng tôi tái khẳng định lập trường của Tổng thống Putin rằng, nước Nga sẽ không cung cấp dầu và khí đốt cho các quốc gia áp đặt mức trần và tham gia ủng hộ áp mức trần giá năng lượng của Nga".
Các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận việc áp giá trần vào ngày 13/12 sắp tới.