EU tung gói trừng phạt lớn chưa từng có, Nga lập tức đáp trả
Động thái đánh dấu một bước leo thang mới trong căng thẳng Nga–EU, giữa lúc phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép bằng các biện pháp kinh tế, ngoại giao và pháp lý xoay quanh cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong động thái được xem là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm đáp trả phương Tây, Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/7 tuyên bố mở rộng đáng kể danh sách những cá nhân từ Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu bị cấm đặt chân đến Nga.
Đây là phản ứng trực tiếp của Moscow trước hai gói trừng phạt mới mà EU thông qua ngày 20/5 và 18/7 – loạt biện pháp mà phía Nga lên án là “phi pháp và mang tính thù địch”.
Theo thông cáo chính thức, danh sách mở rộng bao gồm đại diện từ các cơ quan EU, Chính phủ các nước thành viên và cả những quốc gia châu Âu khác bị xem là tham gia vào chính sách “chống Nga”. Trong đó có nhân viên cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức Nhà nước lẫn doanh nghiệp cùng công dân các nước EU liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine, cản trở hoạt động của Nga tại Biển Baltic hoặc vi phạm “toàn vẹn lãnh thổ” của nước này.

Xuất hiện trong danh sách còn gồm các quan chức và tổ chức châu Âu bị Nga cáo buộc tham gia vào “cuộc đàn áp” nhắm vào công dân và quan chức Nga – từ việc bắt giữ, trục xuất người Nga tại Ukraine đến việc thúc đẩy thành lập tòa án quốc tế xét xử giới lãnh đạo Moscow, hoặc ủng hộ việc tịch thu tài sản quốc gia Nga và chuyển lợi nhuận cho Kiev.
Đặc biệt, Nga nhắm thẳng vào các chính trị gia có phát ngôn “bài Nga”, cũng như thành viên Nghị viện châu Âu và đại biểu quốc hội các nước EU từng ủng hộ những nghị quyết trừng phạt Moscow.
Động thái mới này được xem là một bước leo thang rõ rệt trong căng thẳng Nga - EU, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết và phương Tây tiếp tục tăng sức ép lên Moscow bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao và pháp lý.
Nga khẳng định các biện pháp cứng rắn này là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia trước sự can thiệp ngày càng sâu của phương Tây, trong khi EU và đồng minh không ngừng đẩy mạnh viện trợ quân sự, tài chính cho Ukraine, đồng thời gia tăng sức ép đối với chính quyền ông Putin.
Đáng chú ý, gói trừng phạt thứ 18 của EU – được thông qua hôm 18/7 sau nhiều tuần tranh cãi nội bộ – được đánh giá là một trong những đòn cứng rắn nhất nhắm vào Nga kể từ đầu xung đột. Trong đó, EU áp đặt lệnh trừng phạt lên 26 công ty bị cáo buộc giúp Nga né tránh lệnh cấm, bao gồm 11 công ty đặt trụ sở ngoài lãnh thổ nước này.
Đây là tín hiệu cho thấy EU đang mở rộng mặt trận trừng phạt ra ngoài biên giới Nga, nhắm đến các bên trung gian và đối tác có vai trò trong việc duy trì chuỗi cung ứng công nghệ, linh kiện và hàng hóa lưỡng dụng phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Những biện pháp mới bao gồm đóng băng tài sản, cấm giao dịch và siết chặt kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng chiến lược. EU cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để ngăn chặn hiệu quả các hình thức “lách luật”, đặc biệt thông qua bên thứ 3.
>> Nga không đặt nhiều kỳ vọng trong cuộc đàm phán với Ukraine?