EU tụt hậu trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu
Intel tuyên bố tạm dừng đầu tư vào các dự án bán dẫn quan trọng tại Đức và Ba Lan, đặt EU vào tình thế tụt hậu trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu.
Tại Đạo luật chip châu Âu, EU đặt mục tiêu chiếm 20% chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu vào năm 2030, tăng từ mức khoảng 9% của năm 2022. Tuy nhiên, một báo cáo của Ủy ban châu Âu vào tháng 7/2023 đã hạ thấp mức kỳ vọng xuống chỉ còn 11,7%.
Đầu tuần trước, Intel - một trong những tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới, đã thông báo hoãn xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch lớn tại Magdeburg (Đức) cũng như một dự án khác tại Ba Lan trong ít nhất hai năm tới. Động thái này diễn ra sau khi công ty đối mặt với những khoản lỗ lớn, buộc họ phải tái cơ cấu và tìm kiếm cách giảm chi phí.
Dự án tại Đức có tổng vốn đầu tư lên tới 30 tỷ euro, từng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của EU nhằm gia tăng năng lực sản xuất chất bán dẫn nội địa.
Việc ngành công nghiệp ô tô châu Âu điêu đứng trong thời gian đại dịch, khi tình trạng thiếu hụt chip tạo ra cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, đã thúc đẩy EU đặt ưu tiên xây dựng các cơ sở sản xuất chip tại nội khối nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Chiến lược công nghiệp của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp tổn thất lớn khi Intel hoãn các dự án quan trọng. Bà von der Leyen đã đặt mục tiêu thúc đẩy các ngành công nghệ cốt lõi, bao gồm sản xuất vi mạch, như một trong những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Tuy nhiên, sự chậm trễ này không chỉ làm gián đoạn tiến độ của kế hoạch mà còn đặt ra câu hỏi về khả năng cạnh tranh của EU trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Các nước khác như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã cam kết đầu tư lớn vào phát triển các nhà máy sản xuất chip để duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp này. Trong khi đó, dự án của Intel tại Mỹ đang tiến gần đến giai đoạn hoàn thành và TSMC – công ty dẫn đầu thị trường chip toàn cầu từ Đài Loan (Trung Quốc) – cũng đã có kế hoạch mở rộng quy mô tại Mỹ. Ngược lại, tại châu Âu, những dự án tương tự lại bị giới hạn hoặc bị hoãn lại, gây khó khăn cho EU trong việc bắt kịp các đối thủ.
Một phần nguyên nhân của sự chậm trễ này đến từ việc các chính phủ tại châu Âu, đặc biệt là Đức, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án chip. Chẳng hạn, kế hoạch đầu tư 30 tỷ euro vào nhà máy Magdeburg đã yêu cầu sự hỗ trợ tài chính lớn của Berlin, lên tới 10 tỷ euro cam kết ban đầu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn sau khi một tòa án không cho phép chính phủ tái sử dụng quỹ khẩn cấp để tài trợ cho dự án.
(Theo Politico)
>>Intel và Qualcomm không thể vá những 'vết thương' của bán dẫn Mỹ