EVFTA củng cố vị thế đầu tư châu Âu vào Việt Nam
EVFTA góp phần củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn, tạo "cú huých" hút dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam.
Tân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Dominik Meichle bày tỏ kỳ vọng về hiệp định EVFTA khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về kết quả triển khai EVFTA trong thời gian qua.
Với tư cách là tân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông đánh giá tác động gần 4 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đối với doanh nghiệp hai bên, kim ngạch xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam?
Chủ tịch Dominik Meichle: Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020, có ý nghĩa quan trọng, giúp Việt Nam vươn lên chiếm ưu thế trở thành một trong hai nước ASEAN duy nhất (cùng với Singapore) có hiệp định thương mại tự do với EU.
EVFTA tác động lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng từ khoảng 35 tỷ euro năm 2019 lên hơn 48 tỷ euro năm 2023.
Các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và thủy sản đều tăng trưởng mạnh mẽ. Ngược lại, xuất khẩu của EU sang Việt Nam chỉ tăng từ 11 tỷ euro vào năm 2019 lên 11,4 tỷ euro vào năm 2023.
Điều này đã góp phần gây ra tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU cao hơn 4 lần xuất khẩu của EU sang Việt Nam.
Ngoài ra, theo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của EuroCham, 1/4 thành viên EuroCham Việt Nam cho biết họ đang được hưởng lợi từ EVFTA thông qua việc giảm thuế, tiếp cận thị trường tốt hơn và tăng khả năng cạnh tranh.
Mặc dù đây là một khởi đầu tốt, nhưng EuroCham kỳ vọng, trong thời gian tới, EVFTA sẽ mang đến tác động tích cực, sâu rộng hơn, thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch và có thể dự đoán được tại Việt Nam, qua đó, tạo điều kiện mang lại kết quả đôi bên cùng có lợi cho cả EU và Việt Nam.
Ngoài ra, EVFTA góp phần củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư châu Âu, tạo "cú huých" hút dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam.
Ngoài ra, EVFTA góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2,450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ euro. Trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm, các "đại bàng" EU vẫn tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và "rót" hơn 800 triệu euro vào Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023.
Để khai thác triệt để tiềm năng thu hút thêm FDI của EVFTA, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) cần phải được phê chuẩn đầy đủ. Hiện tại, EVIPA đã được Nghị viện châu Âu và 16/27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Tuy nhiên, EVIPA cũng cần nhận được sự chấp thuận của từng quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Đây là một quá trình phức tạp và tốn thời gian.
EuroCham cam kết tiếp tục tích cực ủng hộ quá trình phê chuẩn EVIPA giữa các bên liên quan ở châu Âu vì điều này sẽ cải thiện đáng kể niềm tin của nhà đầu tư và mở ra cơ hội tăng cường đầu tư của châu Âu vào Việt Nam.
Ông có đề xuất nào giúp Chính phủ Việt Nam áp dụng các giải pháp mới nhằm thúc đẩy thực hiện các FTA với các đối tác nước ngoài và đàm phán FTA mới?
Chủ tịch Dominik Meichle: Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn "trong mắt" các nhà đầu tư ngoại khi tiếp tục kiên trì quá trình đơn giản hóa thủ tục hải quan, phát triển cơ sở hạ tầng và hợp lý hóa các quy trình phê duyệt và đầu tư công.
Thứ nhất, việc đơn giản hóa thủ tục hải quan thông qua chuyển đổi số, bao gồm việc áp dụng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đóng vai trò rất quan trọng.
Việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại không chỉ giúp giảm đáng kể thời gian thông quan, chi phí và sai sót mà còn giúp Việt Nam trở thành một đối thủ cạnh tranh hơn trong thương mại quốc tế.
EuroCham ghi nhận những tiến bộ của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này và khuyến khích các sáng kiến số hóa hơn nữa để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến thương mại và đầu tư.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng đáng tin cậy là "xương sống" của thương mại quốc tế. Tiến độ của các dự án lớn như đường cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành tỏ ra đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, những thách thức về cung ứng điện ổn định, giải quyết dứt điểm tình trạng tắc nghẽn giao thông và nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ vẫn còn tồn tại.
Việc hợp lý hóa các quy trình phê duyệt và đầu tư công, cũng như tạo ra các khuôn khổ rõ ràng và thuận lợi hơn cho quan hệ đối tác công tư, sẽ giảm thiểu những vấn đề này và tạo điều kiện cho các công ty châu Âu có chuyên môn về phát triển cơ sở hạ tầng đóng góp hiệu quả hơn cho sự tăng trưởng của Việt Nam.
Để khai thác tối đa tiềm năng của EVFTA, cả doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu đều cần trợ lực liên tục.
EuroCham nhận thấy nhu cầu này và cam kết mở rộng nỗ lực hợp tác với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam để cung cấp các chương trình đào tạo và công cụ thực hành.
Khi được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, doanh nghiệp hai bên sẽ hiểu và tận dụng các điều khoản của EVFTA, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại cho cả Việt Nam và EU.
Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các nhà hoạch định chính sách sử dụng thông tin đưa ra trong Sách Trắng mới nhất của EuroCham trong quá trình ra quyết định chính sách.
Ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong bối cảnh EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn xanh?
Chủ tịch Dominik Meichle: Thị trường châu Âu rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để mở ra cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy định bền vững của Thỏa thuận Xanh EU (EGD).
Các quy định liên quan tới lĩnh vực phát thải carbon, phá rừng và thẩm định, đòi hỏi đầu tư đáng kể vào lao động lành nghề, công nghệ và tài nguyên.
Tuy nhiên, thay vì coi những yêu cầu này là rào cản gia nhập, các doanh nghiệp Việt Nam nên coi chúng là động lực để đầu tư chiến lược vào lực lượng lao động và hoạt động của mình.
Bằng cách trang bị cho nhân viên kiến thức và kỹ năng về thực hành bền vững, tuân thủ và công nghệ xanh, doanh nghiệp có thể kích thích đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ và thực tiễn xanh—chẳng hạn như thiết bị tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo, tái chế nước và kỹ thuật giảm thiểu chất thải—không chỉ có thể giúp đáp ứng các tiêu chuẩn của EU mà còn giảm đáng kể chi phí và tăng hiệu quả hoạt động, biến việc tuân thủ thành một lợi thế cạnh tranh.
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 sẽ quay trở lại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 21-23/10. Trong ba ngày, GEFE 2024 sẽ có nhiều phiên hội nghị chuyên sâu, triển lãm giới thiệu những đổi mới xanh từ hàng trăm công ty và đối thoại chính sách cấp cao.
EuroCham hướng tới một môi trường kinh doanh thịnh vượng cho tất cả thành viên trên khắp Việt Nam.
Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của EuroCham và chúng tôi hoàn toàn cam kết hỗ trợ mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài 2: Nhận diện các lực cản nội tại và những cơ hội từ FTA bị 'đánh rơi'