Vĩ mô

EVN lỗ hơn 1 tỷ USD, lo ngại nguy cơ giá điện tăng?

Khúc Văn 11/07/2024 13:51

Năm 2023, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.770 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Với con số lỗ trên, nhiều khả năng giá điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong thời gian tới.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh nghiệp quản lý ngành điện lỗ ròng hơn 26.700 tỷ đồng (khoảng 1,05 tỷ USD) do chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp ăn mòn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Báo cáo cho thấy, năm 2023, tổng doanh thu hợp nhất của EVN đạt hơn 500.700 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 13.000 tỷ, tăng hơn 20%.

Trong đó, doanh thu từ bán điện của EVN năm 2023 đạt hơn 498.436 tỷ đồng, chiếm 99% doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, con số này không đủ để bù đắp chi phí lãi vay, chưa tính tới các chi phí hoạt động và quản lý.

Các dự án lưới truyền tải điện đã phải đối mặt với không ít khó khăn ở công tác chuẩn bị đầu tư
Năm 2023, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.770 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Với con số lỗ trên, nhiều khả năng giá điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong thời gian tới.

EVN đã phải trả gần 19.000 tỷ đồng lãi vay trong năm ngoái, chiếm khoảng 83% chi phí tài chính và tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với năm 2022. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả hơn 52 tỷ đồng tiền lãi vay.

Ngoài ra, chi phí hoạt động của EVN cũng cao hơn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính. Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm ngoái là hơn 21.400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức hơn 20.500 tỷ năm 2022.

Các khoản chi cao khiến EVN lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 26.000 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp tập đoàn này lỗ sản xuất kinh doanh điện. Tính chung lỗ ròng cả năm là hơn 26.700 tỷ, tăng 29% so với lỗ năm 2022 và cao hơn con số ước tính trên các báo cáo của Bộ Công Thương trước đó (17.000 tỷ đồng).

Trong năm 2022, EVN lỗ 20.747 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ lũy kế (2 năm 2022-2023) của EVN vào khoảng 47.500 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).

Khoản lỗ lớn của EVN khiến một số người lo ngại giá điện có thể tăng.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra hồi tháng 6/2024, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết Bộ Công Thương đã có đoàn kiểm tra giá thành sản xuất điện của EVN, thời điểm đó chưa có kết quả.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết điều chỉnh giá điện phải thực hiện theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng áp dụng từ ngày 15/5/2024. Theo đó, "quy định giá điện có giảm, có tăng nên chúng ta đừng nghĩ điều chỉnh giá điện là sẽ tăng" - ông Tân nói.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nếu giá điện bình quân giảm 1% là EVN phải giảm ngay. Bộ Công Thương có trách nhiệm giám sát, yêu cầu EVN giảm giá điện, còn muốn tăng thì phải báo cáo trong thẩm quyền của EVN, Bộ Công Thương, Chính phủ.

"Cần đánh giá tác động kinh tế - xã hội từ việc tăng - giảm giá điện. Bộ Công Thương đã có đoàn kiểm tra, rà soát để tính toán đảm bảo khoa học, khách quan có công thức tính toán cụ thể phương án giá điện, chờ kết quả kiểm tra để biết thời điểm nào phù hợp" - Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.

Trước đó, ngày 26/3, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 05/2024/QĐ-TTg Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân chính thức có hiệu lực có hiệu lực ngày 15/5.

Theo đó, giá bán điện bình quân tối thiểu sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần, 4 lần/năm, trong đó, giá điện bình quân giảm 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.

Trong khi đó, giá điện bình quân tăng 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Theo Quyết định này, giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

>>EVN báo doanh thu tăng, lỗ 'khủng' hơn 26.700 tỷ, chi 50 tỷ mỗi ngày trả lãi vay

Yêu cầu thí điểm bán điện mặt trời mái nhà dư thừa cho EVN

EVN 'ẵm' 81.000 tỷ đồng tiền mặt, cứ 24h lại lỗ ròng 76 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/evn-lo-hon-1-ty-usd-lo-ngai-nguy-co-gia-dien-tang-241722.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
EVN lỗ hơn 1 tỷ USD, lo ngại nguy cơ giá điện tăng?
POWERED BY ONECMS & INTECH