EVN 'ẵm' 81.000 tỷ đồng tiền mặt, cứ 24h lại lỗ ròng 76 tỷ đồng
Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 vừa công bố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang lỗ ròng gần 28.000 tỷ đồng.
Trong năm 2023, giá điện bán lẻ tăng 2 lần (3% vào tháng 5 và 4,5% vào tháng 11). Với 2 lần điều chỉnh, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Tuy nhiên, động thái này không giúp tình hình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng lên.
Năm 2023, EVN đạt gần 501.000 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng 8% so với năm trước (hầu hết từ kinh doanh điện); lãi gộp tăng 23% lên hơn 13.000 tỷ đồng. Tập đoàn cùng có thêm gần 4.100 tỷ đồng doanh thu tài chính song đã giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm, EVN chịu gánh nặng chi phí hoạt động khủng trong đó: Chi phí tài chính tăng 25% lên gần mức 22.700 tỷ đồng (chi phí lãi vay tăng 31% lên 19.000 tỷ - mỗi ngày trả 52 tỷ đồng lãi vay); chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 14.800 tỷ đồng.
Sau cùng, tập đoàn lỗ ròng gần 28.000 tỷ đồng cả năm - tăng gần 6.000 tỷ so với năm trước đó. Điều này đồng nghĩa cứ mỗi 24h EVN lại lỗ 76 tỷ đồng.
Tới cuối năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ghi nhận lỗ lũy kế gần 42.000 tỷ đồng. Nói cách khác, chỉ sau hai năm kinh doanh "thất bát", phần lợi nhuận thặng dư tích lũy được đã bị thổi bay.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của EVN đạt 649.000 tỷ đồng trong đó tiền mặt và tiền gửi khoảng 81.000 tỷ đồng - giảm 20% so với đầu năm.
Nợ ngắn hạn của tập đoàn tăng 16% so với cùng kỳ, ở mức 185.000 tỷ đồng (bao gồm hơn 47.000 tỷ đồng là nợ vay). Ngoài ra, EVN cũng ghi nhận gần 96.700 tỷ đồng là khoản phải trả ngắn hạn cho người bán - tăng 22% so với đầu kỳ.
EVN báo doanh thu tăng, lỗ 'khủng' hơn 26.700 tỷ, chi 50 tỷ mỗi ngày trả lãi vay
Nhiệt điện than chiếm 59% tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện của EVN