Eximbank báo lãi quý 3 bốc hơi 76%, nợ xấu tăng mạnh lên 2,6% - bao giờ cho đến ngày xưa?
Trên thị trường cổ phiếu EIB của Eximbank cũng nhiều biến động.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán EIB) công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Eximbank báo lãi quý 3 bốc hơi 76%, nợ xấu tăng mạnh
Về tình hình kinh doanh, Eximbank ghi nhận quý 3 ảm đạm với lãi trước thuế 307 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 242 tỷ đồng, bốc hơi 76,4% so với cùng kỳ.
Dù nửa đầu năm có khởi sắc hơn, nhưng tính chung 9 tháng đầu năm 2023 Eximbank vẫn báo lãi trước thuế đạt 1.712 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm sút 46,5% xuống còn 1.361 tỷ đồng.
Đóng góp vào lợi nhuận của Eximbank là thu nhập lãi thuần (3.200 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ), từ hoạt động dịch vụ (386 tỷ đồng), từ kinh doanh ngoại hối (462 tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ), từ mua bán chứng khoán đầu tư 140 tỷ đồng và từ các hoạt động khác.
Eximbank ghi rõ tính đến 30/9/2023 tổng giá trị giao dịch theo hợp đồng liên quan công cụ tài chính phái sinh tiền tệ đạt 59.900 tỷ đồng, tăng đột biến hơn 42.200 tỷ đồng so với đầu năm.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến hết quý 3 đạt 135.967 tỷ đồng, tăng 4,2% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,79% thời điểm đầu năm lên 2,6%, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 1.478 tỷ đồng và nợ nghi ngờ đến 1.438 tỷ đồng. Nếu phân tích nợ theo chỉ tiêu thời gian, nợ ngắn hạn chiếm gần 69% tổng dư nợ.
Tổng giá trị huy động từ khách hàng đạt 153.968 tỷ đồng, tăng 3,6% so với thời điểm đầu năm, trong đó tiền gửi không kỳ hạn hơn 20.587 tỷ đồng. Chỉ số CASA giảm từ 13,6% hồi đầu năm xuống còn 13,37% - thấp hơn nhiều so với nhiều nhà băng khác.
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Eximbank - Sacombank - ACB một thời từng là bộ 3 quyền lực của nhóm ngân hàng phí Nam trước những biến cố rúng động ngành ngân hàng năm 2011, 2012. Sacombank và ACB đã dần lấy lại vị thế, còn Eximbank?
Eximbank là ngân hàng duy nhất trong bộ 3 quyền lực năm ấy vẫn đang "loay hoay" với vấn đề nội bộ. ACB hiện tại đang ổn định với sự điều hành của Chủ tịch trẻ tuổi Trần Hùng Huy; Sacombank được sự hậu thuẫn đằng sau hệ sinh thái của vị "tướng" Dương Công Minh; còn Eximbank khác biệt nhất vì không có một "ông chủ" thực sự suốt cả quá trình tồn tại.
Eximbank mới đây cũng đang nổi sóng trước khi nữ Chủ tịch trẻ tuổi Đỗ Hà Phương lên nắm quyền. Tuy vậy, khác với ACB và Sacombank, nữ Chủ tịch của Eximbank không nắm cổ phiếu EIB.
Liệu sóng gió tại Eximbank đã yên khi mới đây một ứng viên tự ứng cử vào thành viên HĐQT đã tự rút lui ngay tại Đại hội cổ đông bất thường?
Báo cáo tài chính quý 3 ghi nhận tổng tài sản đã vượt 191.300 tỷ đồng, vượt đỉnh thời hoàng kim trước biến cố 2012. Tuy vậy tổng nợ phải trả vẫn chiếm trên 88% tổng tài sản với 169.690 tỷ đồng.
Trên thị trường cổ phiếu EIB từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều biến động, từng vượt 22.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 9 và cũng có lúc xuống dưới 17.000 đồng hồi đầu tháng 10, hiện tại EIB đang giao dịch ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu.