Bộ 3 ngân hàng quyền lực Sacombank - Eximbank - ACB ngày ấy, bây giờ ra sao?
Những năm cuối thế kỷ 20, thập niên đầu thế kỷ 21, Sacombank - Eximbank - ACB vẫn được gọi với 1 tên khác "bộ 3 ngân hàng quyền lực phía Nam".
Năm 1990, Hội đồng Nhà nước ban hành pháp lệnh về ngân hàng, mở ra thời kỳ mới cho hoạt động ngân hàng Việt Nam. Những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên cũng bắt đầu manh nha hình thành.
Sacombank (STB), Eximbank (EIB) và Á Châu (ACB) là những ngân hàng TMCP đầu tiên của Việt Nam. Nắm những lợi thế nhất định, ngay sau khi hình thành, bộ 3 đã có những thời gian phát triển rực rỡ, tạo nên thế 3 chân vững chắc ở thị trường tài chính ngân hàng miền Nam.
Bộ 3 quyền lực ngày ấy
Không tính đến các Ngân hàng thương mại Nhà nước, thì những năm cuối thế kỷ 20, và thập niên đầu của thế kỷ 21, nhắc đến ngành ngân hàng, giới tài chính vẫn đồn nhau câu “bộ 3 quyền lực phía Nam” để nói về 3 ngân hàng TMCP này.
Cả 3 ngân hàng, đều có chung một giai đoạn đầu rực rỡ, và cùng đi qua biến cố năm 2012. Những thành tựu mà cả 3 đạt được trước biến cố đã đưa bộ 3 trở thành những ngân hàng quyền lực ngày ấy.
Sacombank là một trong số những ngân hàng gắn liền tên tuổi với nhiều doanh nhân nổi tiếng trong thương trường nhất. Thành lập năm 1991, bắt đầu từ việc hợp nhất hợp tác xã tín dụng đang lâm vào tình trạng khó khăn lúc đó, là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên được hình thành. Sacombank ban đầu gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đặng Văn Thành, là cổ đông sáng lập và cũng là cổ đông góp vốn.
Với hệ sinh thái Thành Thành Công cùng đế chế mía đường phía sau, ông Đặng Văn Thành với cương vị Chủ tịch HĐQT Sacombank từ 1994-2012, cùng con trai Đặng Hồng Anh đã dẫn dắt, đưa Sacombank từng bước trở thành một thế lực mới ngành ngân hàng.
Ông Đặng Văn Thành và thiếu gia Đặng Hồng Anh |
Dưới thời Đặng Văn Thành, Sacombank đã tạo nên được nhiều những “cái đầu tiên” cho ngành tài chính Việt Nam. Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE vào năm 2006. Sacombank thời đó được nhắc tới như một thế lực, cả về quy mô, lợi nhuận.
Quy mô tổng tài sản của sacombank qua các thời kỳ |
Ngân hàng Á Châu ACB được thành lập tháng 4/1993, gắn liền với tên tuổi doanh nhân Trần Mộng Hùng, người để lại nhiều dấu ấn trên thị trường tài chính Việt Nam. Ông Trần Mộng Hùng là một trong những sáng lập viên của ACB, từng nhiều năm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ACB đến 2008. Từ 2008, ông Trần Xuân Giá giữ vị trí Chủ tịch HĐQT; ông Trần Mộng Hùng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB.
Chọn lối đi riêng, hướng đến tệp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tư nhân, ACB tiên phong thâm nhập thị trường cho vay tiêu dùng, dịch vụ chuyển tiền nhanh dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union, thẻ tín dụng. ACB cũng là ngân hàng TMCP đầu tiên tại Việt Nam phát hành thẻ tín dụng quốc tế MasterCard và Visa.
Năm 2006 ACB đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HNX, trở thành một trong số những ngân hàng đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán thời bấy giờ.
Dưới thời ông Trần Mộng Hùng và Trần Xuân Giá, ACB ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hàng năm. Năm 2011 đánh dấu năm có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất về lợi nhuận, đạt trên 4.200 tỷ đồng.
Tăng trưởng lợi nhuận, ACB cũng không ngừng lớn mạnh về quy mô tổng tài sản và nợ phải trả cũng tăng theo. Nếu như năm 2007 tổng tài sản ACB dưới 86.000 tỷ đồng, thì năm 2008 vượt 105.000 tỷ đồng. Năm 2010 vượt 205.000 tỷ đồng. Năm 2011 vượt 281.000 tỷ đồng.
Cùng với tài sản gia tăng, nợ phải trả cũng tăng nhanh chóng, từ mức 79.100 tỷ đồng năm 2007 lên gấp đôi 157.700 tỷ đồng vào năm 2019, và lên đến 269.000 tỷ đồng vào năm 2011. Thậm chí năm 2010 tỷ lệ nợ phải trả chiếm 94% tổng tài sản và tỷ lệ này của năm 2011 xấp xỉ 96%
Quy mô tài sản của ACB |
Eximbank tiền thân là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, thành lập sớm nhất so với nhóm bộ 3 quyền lực, từ tháng 5/1989 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1990. Với lợi thế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Eximbank còn nổi danh trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng.
Báo cáo thường niên năm 2007 của Eximbank ghi nhận tổng tài sản, quy mô vốn... đều tăng vọt. Đây cũng là giai đoạn Eximbank phát triển mạnh nhất, tổng tài sản từ mức 33.700 tỷ đồng cuối năm 2007, lên 183.567 tỷ đồng vào cuối năm 2011, tương ứng tăng gần gấp 5,5 lần chỉ trong vòng 5 năm.
Tài sản tăng, nợ nần cũng tăng theo, tổng nợ phải trả cuối 2007 hơn 27.400 tỷ đồng, tăng lên đến 167.264 tỷ đồng vào cuối năm 2011, chiếm hơn 91% tổng tài sản.
Quy mô tài sản, vốn tăng mạnh, Eximbank cũng trình diễn kết quả kinh doanh ấn tượng, từ mức lãi sau thuế hơn 600 tỷ đồng năm 2007, đã vượt 4.000 tỷ đồng vào năm 2011. Đây cũng là năm Eximbank đạt kỷ lục về lợi nhuận trong suốt qủa trình hoạt động, cũng là năm quy mô tài sản đạt mức cao nhất.
Năm 2009 Eximbank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trở thành cổ phiếu yêu thích của nhiều nhà đầu tư lúc đó.
Khác với Sacombank và ACB, ở Eximbank không có một “ông chủ” thực sự đằng sau, không gắn liền với những doanh nhân nổi trội trên thương trường.
Biến cố năm 2012 đã khiến bộ 3 quyền lực thay đổi ra sao?
Năm 2012 là năm ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến rất nhiều biến cố nhất, bắt đầu từ thông tin ông Nguyễn Đức Kiên - bầu Kiên - bị bắt tạm giam để điều tra các sai phạm trong hoạt động kinh tế.
Đây cũng là giai đoạn các ngân hàng TMCP chịu ảnh hưởng bởi một số chính sách chung. Ảnh hưởng lớn nhất với các ngân hàng TMCP thời gian đó là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng từ khách hàng.
Ngoài tác động chung, bản thân mỗi ngân hàng đều lại có những biến cố riêng.
Eximbank gặp khó khăn nhất từ thông tư 21/2012 của Ngân hàng Nhà nước, theo đó các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thực hiện các hoạt động gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại các tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàngh nước ngoài khác.
Ngoài ra, BCTC năm 2012 của Eximbank ghi nhận tổng giá trị tài sản là tiền mặt, vàng bạc, đá quý hơn 13.200 tỷ đồng, tăng hơn 5.900 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó có hơn 11.864 tỷ đồng là vàng, gấp đôi thời điểm đầu năm.
Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về vàng, về tiền gửi với các tổ chức tín dụng theo thông tư 21, kết quả kinh doanh của Eximbank tuột dốc không phanh. Lợi nhuận trước thuế năm 2014, 2015 giảm sâu xuống dưới 100 tỷ đồng từ mức đỉnh 4.000 tỷ đồng năm 2021.
ACB lúc đó còn khó khăn “kép” từ việc các ngân hàng phải chấm dứt việt huy động vàng từ khách hàng, đến việc nguyên Chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá và một số nguyên Phó Chủ tịch lần lượt bị khởi tố, trong đó có ông Nguyễn Đức Kiên.
Ông Nguyễn Đức Kiên, bầu Kiên, một trong những cổ đông sáng lập của ACB, có mặt trong Hội đồng quản trị ACB từ năm 1994, bị tố cáo với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.
Trước sóng gió, gia đình ông Trần Mộng Hùng trở lại, gánh nặng trọng trách Chủ tịch HĐQT được đặt lên vai ông Trần Hùng Huy – con trai ông Trần Mộng Hùng.
Vị chủ tịch trẻ tuổi Trần Hùng Huy lúc đó cũng đã gắn bó sự nghiệp của mình tại ACB từ năm 2002 khi tốt nghiệp đại học. Đi lên từ vị trí thấp nhất, ông Trần Hùng Huy đã dần chứng minh bản thân, ghi danh vào thành viên HĐQT từ năm 2006 và là Phó Tổng Giám đốc ACB từ 2008.
Ngoài ổn định nhân sự, ACB lúc đó còn “lo” vấn đề vàng sau quyết định của Ngân hàng nhà nước. Từ mức lãi trăm tỷ của hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, thì năm 2012 hoạt động này mang về số lỗ 1.863 tỷ đồng. Các năm sau đó hoạt động kinh doanh vàng dược điều chỉnh và đã biến mất hoàn toàn vào năm 2015.
Tiếp quản “ghế nóng” trong bối cảnh ngân hàng gặp khó, tân Chủ tịch Trần Hùng Huy nhìn nhận “năm 2012 có thêm những biến động riêng gây tác động không nhỏ đến hoạt động và cấu trúc nhân sự, đặc biệt là nhân sự điều hành cấp cao. Hệ quả còn phải được tiếp tục nhìn nhận và điều chỉnh, thiệt hại tài chính đã được xác định, thiết lập giới hạn”.
Năm 2012 tổng tài sản ACB giảm từ mức 269.000 tỷ đồng xuống còn gần 163.700 tỷ đồng, và còn giảm tiếp xuống mức 154.100 tỷ đồng vào năm 2013 rồi mới dần tăng lên những năm sau đó.
BCTC năm 2013 ACB trích lập dự phòng rủi ro tiền gửi và cho vay tại các ngân hàng khác đã lên đến 394 tỷ đồng (cùng kỳ hơn 15 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh từ 2,5% vào năm 2012 lên 3%, trong đó hơn 2.100 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn.
Sacombank là ngân hàng chịu nhiều tác động nhất trong bộ 3 quyền lực từ biến cố 2012. Dù thành công đưa Sacombank lên đỉnh cao quyền lực lúc đó, sóng gió vẫn nổi lên, một thế lực ngầm đã liên tiếp tác động khiến nỗ lực giữ “ghế” của ông Đặng Văn Thành bất thành. Công cuộc thay máu Sacombank diễn ra, tại Đại hội cổ đông năm đó, nhóm cổ đông lớn Eximbank yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát. Một nhân tố mới xuất hiện tại Sacombank - Trầm Bê.
Năm đầy biến động 2012 khi ông Đặng Văn Thành rời đi, lợi nhuận trước thuế của Sacombank giảm về mức hơn 1.300 tỷ đồng và lãi sau thuế “rơi” xuống dưới 1.000 tỷ đồng.
Doanh nhân Trầm Bê về với sacombank, ngồi ghế Phó Chủ tịch HĐQT, cùng với con trai út Trầm Trọng Hòa trong danh sách thành viên HĐQT, đã dần ổn định, băm 2013, 2014 lợi nhuận tăng trở lại lên trên 2.200 tỷ đồng.
Doanh nhân Trầm Bê và cậu út Trầm Trọng Hòa |
Sacombanklà một trong số những ngân hàng đi qua nhiều biến động nhất. Sau sự ra đi của ông Đặng Văn Thành, Sacombank chỉ "yên" vài năm trước khi biến cố mới ập tới. Câu chuyện bắt đầu từ việc Sacombank khi vấn đề sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) được đưa lên bàn nghị sự vào kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2014.
Một Southern Bank lúc đó kinh doanh giảm sút, nợ xấu tăng cao được sáp nhập khiến nợ phải trả của Sacombank tăng chóng mặt. Sau sáp nhập, tổng tài sản Sacombank tăng lên trên 292.000 tỷ đồng nhưng nợ phải trả cũng tăng nhanh chóng lên gần 270.000 tỷ đồng. Đặc biệt Sacombank giữ nguyên đà tăng nợ phải trả, lên đến trên 345.200 tỷ đồng vào năm 2017.
Trước diễn biến đó, những kỳ Đại hội cổ đồng của Sacombank lúc đó cũng diễn ra căng thẳng, "quy tội" cho ông Trầm Bê và vụ sáp nhập. Thương vụ sáp nhập đình đám ngành ngân hàng lúc đó diễn ra như thế.
Thế nhưng, dấu ấn của Trầm Bê tại Sacombank còn đậm nét hơn nhiều theo một cách hoàn toàn khác. Năm 2017 vụ án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam VNCB) được đưa ra xét xử, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang của Sacombank bị bắt tạm giam, khởi tố với hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Năm 2017 Ngân hàng Nhà nước cũng công bố chấm dứt vai trò điều hành, quản trị của ông Trầm Bê tại Sacombank. Trước đó ông Trầm Bê và con trai đã có đơn xin rời vị trí lãnh đạo tại Sacombank.
Năm 2017 Sacombank bước vào thời kỳ mới với Chủ tịch Dương Công Minh.
Ông Dương Công Minh |
Bộ 3 quyền lực ngày ấy – bây giờ
“Thay đổi để tồn tại và phát triển” là thông điệp đầu tiên khi Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy lên nắm quyền truyền tải đi. 10 năm từ biến cố, tính đến cuối năm 2022 tổng tài sản ACB đạt 607.875 tỷ đồng, và đạt gần 630.900 tỷ đồng tính đến hết quý 2/2023. Con số tổng tài sản gia tăng đáng kể.
Phục hồi sau khó khăn, lợi nhuận của ACB dần tăng từ năm 2017, vượt trở lại mốc 2.100 tỷ đồng. Năm 2019 chinh phục mốc 6.000 tỷ đồng, Năm 2022 vừa qua ACB lãi đột biến gần 13.700 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2023 ACB lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản ACB đạt 630.893 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm, tuy vậy nợ phải trả cũng tăng 3,8% lên 568.025 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả chiếm 90% tổng tài sản. ACB cũng tiến hành tăng vốn thần tốc dưới thời Chủ tịch Trần Hùng Huy. Trước đó ACB giữ nguyên mức vốn điều lệ 9.377 tỷ đồng từ năm 2010 đến 2016. Tuy vậy từ 2016 đến nay ngân hàng liên tục tăng vốn. Hiện tại trong nửa đầu năm 2023 ACB tiếp tục tăng vốn lên 38.841 tỷ đồng.
Sacombank dưới thời ông Dương Công Minh, khá bất ngờ khi một trong những dự định đầu tiên khi vị doanh nhân nổi tiếng này thực hiện đến nay vẫn được nhắc tới là việc “chuyển nhà, đổi mã”. Tháng 10/2017 Sacombank lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển sàn niêm yết từ HoSE sang HNX, đồng thời đổi mã chứng khoán thành SCM. Tuy vậy đề xuất này vấp phải sự phản đối, và Sacombank vẫn ở lại sàn HoSE với mã chứng khoán STB.Eximbank
Sacombank dưới thời “tướng” Dương Công Minh, quy mô tổng tài sản tăng mạnh từ dưới 400.000 tỷ đồng trước năm 2018, vượt 500.000 tỷ đồng vào năm 2020 và hiện tại, tính đến hết quý 2/2023 tổng tài sản đạt gần 622.200 tỷ đồng.
Tổng tài sản gia tăng, nợ phải trả cũng tăng dần. Nếu như năm 2017, vượt 550.000 tỷ vào cuối năm 2022 và đến hết qúy 2/2023 vượt 580.000 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm 93% tổng tài sản.
Đáng chú ý, quy mô tài sản, nợ tăng, nhưng Sacombank vẫn giữ nguyên vốn điều lên từ 2015 đến nay, ở mức 18.852 tỷ đồng – là một trong số ít các ngân hàng không tăng vốn trong nhiều năm liên tiếp.
Về tình hình kinh doanh sau những năm sóng gió 2015-2017, những năm sau đó lợi nhuận của Sacombank đã dần tăng trưởng trở lại, vượt mức 2.400 tỷ đồng vào năm 2018; nhanh chóng vượt 3.400 tỷ đồng vào năm 2021. Năm 2022 vừa qua Sacombank báo lãi kỷ lục hơn 5.000 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2023 cũng đạt 3.825 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Eximbank có những năm lao đao khi 2014, 2015 lãi trước thuế chưa đến 100 tỷ đồng. Tuy vậy những năm sau đó ngân hàng đã bắt đầu ổn định. Tổng tài sản tăng dần trở về đỉnh cũ năm 2011. Tuy vậy nợ phải trả cũng tăng nhanh hơn. Eximbank là một trong số ít ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản rất cao. Năm 2017-2019 tỷ lệ này đều trên 90%. Kết thúc quý 2/2023 tổng nợ phải trả lên tới hơn 168.879 tỷ đồng, chiếm đến 88,7% tổng tài sản.
Kết qủa kinh doanh dù ổn định với mức lãi quanh quanh 1.000 đến 1.300 tỷ đồng giai đoạn 5 năm từ 2017-2021, tuy vậy không có sự đột phá. Điểm sáng về lợi nhuận rơi vào năm 2022 khi lợi nhuận trước thuế vượt 3.700 tỷ đồng. Tuy vậy 6 tháng đầu năm 2023 lãi trước thuế còn 1.405 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Eximbank cũng là ngân hàng duy nhất trong bộ 3 quyền lực năm ấy vẫn đang "loay hoay" với vấn đề nội bộ. ACB hiện tại đang ổn định với sự điều hành của Chủ tịch trẻ tuổi Trần Hùng Huy; Sacombank được sự hậu thuẫn đằng sau hệ sinh thái của vị "tướng" Dương Công Minh; còn Eximbank khác biệt nhất vì không có một "ông chủ" thực sự suốt cả quá trình tồn tại.
Eximbank mới đây cũng đang nổi sóng nhân s trước khi nữ Chủ tịch trẻ tuổi Đỗ Hà Phương lên nắm quyền. Tuy vậy, khác với ACB và sacombank, nữ Chủ tịch của Eximbank không nắm cổ phiếu EIB.
Liệu sóng gió tại Eximbank đã yên khi mới đây một ứng viên tự ứng cử vào thành viên HĐQT đã tự rút lui ngay tại Đại hội cổ đông bất thường?
Đà phục hồi, chiến lược kinh doanh mỗi ngân hàng đang theo các hướng khác nhau. Bộ 3 quyền lực ngày ấy, giờ cũng đang từng bước lấy lại vị thế.
Sacombank (STB) sau thời doanh nhân Đặng Văn Thành đang kinh doanh ra sao
Sacombank (STB) lại 'đại hạ giá' khoản nợ của doanh nghiệp thủy sản liên quan 5.833 lượng vàng SJC
Điểm mặt các cổ phiếu luôn tăng trong tháng 12, tâm điểm nhóm bất động sản và ngân hàng