Số tiền lãi 200 – 300 tỷ USD mà Fed trả cho các ngân hàng mỗi năm là không đủ để bù đắp tác động giảm phát của chính sách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.
Trong thời kỳ đại dịch 2020 - 2021, Fed áp dụng chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing, viết tắt là QE) bằng cách in tiền để mua trái phiếu Kho bạc, giúp chính phủ Mỹ có nguồn tiền kích thích kinh tế.
Khi giá cả tăng phi mã trong năm 2022, Fed chuyển sang chính sách thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening, QT) để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, việc Fed liên tục nâng lãi suất và giảm cung tiền cũng có thể vô tình khiến cho tình hình lạm phát thêm căng thẳng thông qua một cơ chế ít được chú ý tới, cụ thể như sau:
Fed nâng lãi suất dự trữ bắt buộc để thu hút các ngân hàng thương mại để tiền ở ngân hàng trung ương thay vì cho vay ra nền kinh tế, qua đó hạn chế nhu cầu và kìm hãm giá cả.
Nhưng lãi suất cao hơn cũng đồng nghĩa với việc Fed phải trả lãi cho các ngân hàng thương mại nhiều hơn, có thể lên tới 200 – 300 tỷ USD mỗi năm.
Nói cách khác, Fed in ra 200 – 300 tỷ USD mỗi năm để đưa cho các ngân hàng thương mại. Khi kinh tế suy thoái như nhiều chuyên gia đang dự báo, 200 – 300 tỷ USD này sẽ được dùng để rót vào các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu Kho bạc.
Sau đó, chỉnh phủ Mỹ sẽ dùng tiền mà các ngân hàng vừa cho vay để chi tiêu công, tương tự như trong thời kỳ đại dịch. Vì thế, số tiền mà Fed trả cho các ngân hàng sẽ được Washington đưa vào lưu thông, góp phần gây lạm phát.
Dù vậy, số tiền lãi 200 – 300 tỷ USD mà Fed trả cho các ngân hàng mỗi năm là không đủ để bù đắp tác động giảm phát của chính sách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.
Khi lãi suất tăng, doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư và ít vay nợ. Các hộ gia đình cũng phải dành nhiều thu nhập hơn cho việc trả lãi vay và giảm mua sắm. Nhu cầu chung của nền kinh tế yếu đi, lạm phát cũng hạ nhiệt.
Tính đến đầu tháng 12/2022, M2 giảm còn 21.370 tỷ USD. So với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 18/4/2022, cung tiền của Mỹ đã giảm 682 tỷ USD, tương đương mất 3,1%.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, số liệu M2 đã giảm 0,74%. Đây là tuần thứ ba liên tiếp cung tiền M2 của Mỹ thấp hơn một năm trước. Khi cung tiền đi xuống, đà tăng của giá cả cũng hụt hơi vì thiếu động lực.