FLC và ROS sau hủy niêm yết: 1 thương hiệu - 2 số phận, ai bảo vệ quyền lợi 92.000 cổ đông?

25-02-2023 09:46|Quốc Trung

Khác với sự việc của FLC, nguy cơ giảm cổ phần sở hữu của cổ đông FLC Faros (Mã ROS) về số vốn thực góp của các cổ đông sáng lập ban đầu là hiện hữu.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 24/2/2023 đã có thông báo chấp thuận cho CTCP Tập đoàn FLC được đăng ký giao dịch cổ phiếu với số lượng gần 710 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị đăng ký giao dịch (tính theo mệnh giá) gần 7.100 tỷ đồng.

Đi kèm với quyết định này, HNX cũng thông báo đưa toàn bộ số cổ phiếu trên vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 3/3/2023 với lý do: “Tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán”.

Như vậy, sau khi được Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu từ thị trường HOSE sang thị trường UPCoM vào ngày 22/2/2023, cổ phiếu FLC đã chính thức được HNX chấp thuận giao dịch (chỉ sau 4 ngày).

Cổ phiếu FLC được chấp thuận về UPCoM sau 4 ngày hủy niêm yết, ROS vẫn mờ mịt thông tin sau nửa năm

Trong khi đó, với một quy trình tương tự, gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros (một mã khác trong hệ sinh thái cổ phiếu FLC đồng thời từng là cổ phiếu VN30) sau khi bị hủy niêm yết trên sàn HOSE ngày 5/9/2022 và được chuyển dữ liệu lưu ký về sàn UPCoM đã không được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch.

Để làm rõ bản chất 2 vấn đề trên, chúng tôi thực hiện trao đổi ngắn với Luật sư Nguyễn Huy Độ - Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH BFB - thông tin đến nhà đầu tư và Quý độc giả.

FLC và ROS sau hủy niêm yết: 1 thương hiệu - 2 số phận, ai bảo vệ quyền lợi 92.000 cổ đông?
Luật sư Nguyễn Huy Độ

Với những động thái diễn ra với cổ phiếu FLC và ROS, theo ông, điểm giống và khác nhau của 2 câu chuyện này là gì?

Luật sư Nguyễn Huy Độ: "Về bản chất, 2 câu chuyện này hoàn toàn khác nhau. Việc đình chỉ niêm yết cổ phiếu FLC là do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của FLC mà theo đó chính ban lãnh đạo của Tập đoàn FLC phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này khi vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin theo luật chứng khoán và chính điều lệ doanh nghiệp. Việc hủy niêm yết của FLC theo quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/ND-CP. Tuy nhiên việc vi phạm nghiêm trọng công bố thông tin không làm thay đổi quy mô đại chúng của tập đoàn này. Bởi vậy cổ phiếu của FLC phải đăng ký giao dịch trên UPCoM theo quy định tại Khoản 2 Điều 120 Nghị định 155/2020/ND-CP và Khoản 1 Điều 133 Nghị định 155/2020/ND-CP.

Đối với cổ phiếu ROS của FLC Faros, theo thông tin được cung cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại FLC Faros và các công ty có liên quan.

Như vậy, có thể thấy 2 vụ việc là hoàn toàn khác nhau. FLC được chấp thuận giao dịch trên UPCoM vì công ty vẫn đủ điều kiện là công ty đại chúng còn ROS không được chấp thuận đăng ký giao dịch vì không đủ điều kiện xác định cổ phần và để xác định rõ các nạn nhân của vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại chính công ty này".

Được biết, FLC Faros đã tăng vốn khống từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng và sau khi niêm yết đã bán số cổ phần này ra bên ngoài nhằm chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Số vốn khống tăng thêm chưa đủ điều kiện để hình thành cổ phần và được giao dịch như cổ phiếu trên thị trường. Bởi vậy, việc đình chỉ giao dịch cổ phiếu ROS là cần thiết bởi không đủ điều kiện hình thành cổ phiếu giao dịch và để xác định rõ các nạn nhân trong vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại FLC Faros.

Nhà đầu tư cổ phiếu ROS là nạn nhân của hành vi lừa đảo, nguy cơ giảm lượng cổ phần hiện hữu

Cổ phiếu ROS hiện đã dừng giao dịch 6 tháng sau vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc tăng vốn khống. Đến hiện tại, cổ đông công ty vẫn tù mù về ngày mã được chấp thuận và giao dịch trở lại trên sàn UPCoM. Trong khi đó, cổ phiếu FLC dù được chấp thuận giao dịch song tiếp tục “lĩnh án” đình chỉ giao dịch.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông đánh giá thế nào về tính chất và mức độ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông đối với 2 vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Huy Độ: "Dưới góc độ nhà đầu tư, tại vụ việc của Tập đoàn FLC, quyền lợi của các cổ đông bị ảnh hưởng bởi chính trách nhiệm, hành vi vi phạm trong việc chậm trễ thực hiện các điều kiện của công ty niêm yết của ban lãnh đạo công ty. Quyền lợi của các cổ đông sẽ được phục hồi khi công ty thực hiện đầy đủ các điều kiện của một công ty đại chúng khi giao dịch trở lại trên sàn UPCoM. Và quyền lợi ấy được quyết định bởi chính lá phiếu của các cổ đông khi họ sử dụng quyền của mình để thay đổi cơ cấu tổ chức của công ty để Tập đoàn FLC hình thành nên một ban lãnh đạo mới nhằm đưa công ty hoạt động bình thường trở lại.

Trong khi đó, với trường hợp của FLC Faros, cổ phiếu do nhà đầu tư nắm giữ thực chất không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường do công ty tăng vốn đồng thời không thu được tiền tăng vốn mà các cá nhân nắm giữ số cố phần khống tăng thêm đã bán ra thị trường. Bởi vậy, nhà đầu tư hiện tại đang là nạn nhân của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cần phải chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên.

Trong trường hợp này, nguy cơ giảm cổ phần sở hữu của nhà đầu tư là hiển hiện khi FLC Faros buộc phải giảm vốn điều lệ về số vốn thực góp của các cổ đông sáng lập ban đầu. Bù lại, khi xác định rõ những nhà đầu tư là nạn nhân trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì họ sẽ được bồi thường thiệt hại".

Sự điều hành yếu kém và trách nhiệm của lãnh đạo

2022 là năm khó khăn đối với nhóm doanh nghiệp hệ sinh thái FLC (bao gồm các mã FLC, ROS, HAI, AMD, ART, KLF, GAB) khi tình hình kinh doanh gặp vấn đề, bộ máy lãnh đạo xáo trộn, cổ phiếu lần lượt bị hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch, hủy niêm yết hay bị cắt margin liên quan đến các vấn đề về báo cáo thông tin tài chính,...

Với riêng Tập đoàn FLC và FLC Faros, sau các biến cố này, doanh nghiệp/lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm gì đối với việc đảm bảo “túi tiền” của 92.000 cổ đông (bao gồm gần 65.000 cổ đông FLC và 38.000 cổ đông ROS)?

"Việc hủy niêm yết của FLC do vi phạm quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/ND-CP Hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin là lỗi vi phạm mang tính chủ quan có nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc điều hành của ban lãnh đạo công ty này. Cùng với đó, thiết chế Thành viên HĐQT độc lập đã không được FLC coi trọng dẫn đến quyền lợi của các cổ đông thiểu số bị vi phạm mà không có cá nhân, công cụ hay định chế nào bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo đó, tôi cho rằng trong bất kỳ giai đoạn nào của doanh nghiệp dù khó khăn thì sự minh bạch thông tin là điều cần thiết để giúp doanh nghiệp giữ, tạo dựng được uy tín trên thị trường. Cần phải thay đổi bắt đầu từ sự minh bạch".

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nóng: KRX vận hành chính thức vào ngày 2/5

UBCKNN, HoSE, HNX sẽ làm việc bù vào thứ 7 (4/5) cho dịp nghỉ lễ Quốc tế lao động

Chuyển biến tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù ‘vắng’ Nghị định 08/2023/NĐ-CP

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/flc-va-ros-sau-huy-niem-yet-1-thuong-hieu-2-so-phan-ai-bao-ve-quyen-loi-92000-co-dong-171011.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
FLC và ROS sau hủy niêm yết: 1 thương hiệu - 2 số phận, ai bảo vệ quyền lợi 92.000 cổ đông?
POWERED BY ONECMS & INTECH