Thế giới

Gần 2.000 dự án nhà ở tại 42 thành phố bị đắp chiếu, chuyện gì đã xảy ra?

Lam Vy 05/05/2025 22:03

Theo một báo cáo từ công ty phân tích dữ liệu bất động sản PropEquity, gần 2.000 dự án nhà ở tại Ấn Độ với hơn 500.000 căn đang bị đình trệ tại 42 thành phố trên toàn quốc, chủ yếu do tình hình quản lý tài chính yếu kém và năng lực triển khai hạn chế từ phía các chủ đầu tư.

Cụ thể, có tổng cộng 1.981 dự án bị đình trệ, trong đó 1.636 dự án nằm tại 14 thành phố cấp I và 345 dự án với hơn 76.000 căn thuộc 28 thành phố cấp II. PropEquity cho biết số lượng căn hộ bị “đắp chiếu” đã tăng từ khoảng 465.000 căn vào năm 2018 lên hơn 508.000 căn trong năm nay - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng hơn.

“Tình trạng đình trệ các dự án bắt nguồn từ sự yếu kém trong năng lực thực thi, quản lý dòng tiền kém hiệu quả, và việc lạm dụng vốn để đầu tư đất mới hoặc trả nợ cũ”, ông Samir Jasuja, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành PropEquity nhận định.

Ông cũng nhấn mạnh rằng người mua nhà nên được hỗ trợ bởi các đơn vị kiểm toán độc lập để có thể hiểu rõ năng lực của chủ đầu tư và biết liệu dự án có khả năng hoàn thành đúng hạn hay không.

Gần 2.000 dự án nhà ở tại 42 thành phố bị đắp chiếu, chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nỗ lực từ Chính phủ

Nhằm đối phó với tình trạng này, Chính phủ Ấn Độ đã ra mắt Quỹ Đặc biệt dành cho Nhà ở Giá rẻ và Trung cấp (SWAMIH) vào tháng 11/2019. Trong 5 năm qua, khoảng 32.000 căn hộ đã được bàn giao thông qua quỹ này, với mục tiêu tiếp tục cung cấp thêm 20.000 căn mỗi năm trong ba năm tới.

Dữ liệu từ PropEquity cho thấy, Greater Noida dẫn đầu trong nhóm thành phố cấp I với 74.645 căn hộ bị đình trệ. Trong khi đó, tại nhóm thành phố cấp II, Bhiwadi đứng đầu với 13.393 căn.

Một số thành phố lớn khác tại Ấn Độ cũng ghi nhận số lượng dự án và căn hộ bị “đắp chiếu” ở mức đáng lo ngại. Tại khu vực thành phố cấp I, Gurugram hiện có 158 dự án với 52.509 căn hộ đang bị đình trệ, tiếp theo là Noida với 103 dự án (41.438 căn), Ghaziabad 50 dự án (15.278 căn), Faridabad 16 dự án (7.060 căn), và New Delhi có một dự án với 900 căn.

Khu vực Mumbai Metropolitan Region cũng chứng kiến con số đáng kể: Mumbai có 234 dự án (37.883 căn), Navi Mumbai 125 dự án (28.466 căn), Thane 186 dự án (57.520 căn) và Pune 172 dự án (24.129 căn). Ngoài ra, Bengaluru ghi nhận 225 dự án bị đình trệ với 39.908 căn hộ, Kolkata có 82 dự án (24.174 căn), Chennai 92 dự án (21.867 căn), và Hyderabad 25 dự án (6.169 căn).

Ở nhóm thành phố cấp II, ngoài Bhiwadi với 33 dự án (13.393 căn), các địa phương khác cũng có số lượng đáng chú ý như Lucknow với 48 dự án (13.024 căn), Jaipur 37 dự án (9.862 căn), và Bhopal 27 dự án (7.500 căn).

Ông Jasuja cảnh báo thêm rằng, số lượng tranh chấp bất động sản đang gia tăng tại các tòa án. Trong bối cảnh nhiều dự án chậm tiến độ và số mới tiếp tục phát sinh, trách nhiệm “tự bảo vệ” giờ đây đặt nặng lên vai người mua nhà - đòi hỏi họ phải thực hiện thẩm định kỹ càng qua các chuyên gia trước khi xuống tiền đầu tư.

Tham khảo The Economic Times

>> Hàng loạt sân bay bị 'đắp chiếu': Chuyện gì đã xảy ra?

Dự án đường sắt cao tốc dài 650km có nguy cơ ‘đắp chiếu’ sau 15 năm thi công, đội vốn gấp 3

Dự án đường sắt cao tốc dài 390km sử dụng công nghệ Nhật Bản có nguy cơ ‘đắp chiếu’, vốn đầu tư dự kiến vượt 1 triệu tỷ đồng

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/gan-2000-du-an-nha-o-tai-42-thanh-pho-bi-dap-chieu-chuyen-gi-da-xay-ra-141734.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gần 2.000 dự án nhà ở tại 42 thành phố bị đắp chiếu, chuyện gì đã xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH