Học viện Kỹ thuật Mật mã vừa trao bằng Thạc sĩ An toàn thông tin cho 32 học viên, nâng tổng số học viên hoàn thành chương trình Cao học ngành này của nhà trường lên 294.
Lễ tốt nghiệp vào trao bằng cho các tân Thạc sĩ ngành An toàn thông tin được Học viện Kỹ thuật Mật mã tổ chức mới đây tại Hà Nội, cùng với các tân Thạc sĩ ngành Kỹ thuật mật mã. Đây là các học viên Cao học khóa 8 ngành An toàn thông tin và khóa 18 ngành Kỹ thuật Mật mã đã hoàn thành chương trình đào tạo.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Thế Dũng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, hơn bao giờ hết ngành Cơ yếu Việt Nam đang cần những nhà khoa học, những chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung, mật mã và an toàn thông tin nói riêng để đưa ngành tiến thẳng lên hiện đại.
Trong suốt khoảng thời gian học tập tại Học viện Kỹ thuật Mật mã, các học viên Cao học không chỉ học những kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin, mà còn được trang bị những kỹ năng, tư duy sáng tạo.
Các học viên Cao học ngành An toàn thông tin và Kỹ thuật Mật mã cũng đã học cách đặt câu hỏi, thách thức những quan điểm cũ, và tìm kiếm những giải pháp mới; học cách làm việc nhóm, hợp tác và xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ với nhau; đồng thời có cơ hội trải nghiệm những dự án nghiên cứu, nơi chúng ta đã áp dụng những kiến thức và kỹ năng của mình vào việc giải quyết các vấn đề thực tế trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin.
“Điều quan trọng hơn cả, các học viên đã học cách tin vào khả năng của chính mình và khám phá tiềm năng của bản thân. Các bạn đã biết rằng không có giới hạn cho những gì chúng ta có thể đạt được khi chúng ta luôn mở lòng và sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới. Chúng ta đã trở thành những người không sợ đương đầu với những thách thức phức tạp và tạo ra những giải pháp đột phá trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Thế Dũng nhận xét.
Nhấn mạnh tấm bằng Thạc sĩ mới nhận được là bằng chứng cho sự kiên trì và lòng say mê khoa học, đại diện lãnh đạo Học viện Kỹ thuật Mật mã kỳ vọng với các tân Thạc sĩ sẽ vững bước trên con đường công danh sự nghiệp, tiếp tục đóng góp sức mình cho công việc.
Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa của Học viện kỹ thuật mật mã và đóng góp công sức vào việc xây dựng Học viện trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về mật mã và an toàn thông tin phục vụ ngành cơ yếu và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Ở góc độ của đơn vị sử dụng lao động có 5 nhân sự vừa nhận bằng Thạc sĩ ngành An toàn thông tin của Học viện Kỹ thuật Mật mã, ông Bùi Gia Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin, khối CNTT, Ngân hàng Quân đội MB đánh giá cao công tác đào tạo của nhà trường, là cái nôi đào tạo nhân sự có nền tảng kiến thức, kỹ năng và năng lực tốt.
Là một trong những trường đại học trọng điểm về đào tạo an toàn thông tin mạng, Học viện Kỹ thuật Mật mã đã tham gia đóng góp nguồn nhân lực lớn cho lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Nhiều thế hệ Kỹ sư, Thạc sĩ ngành An toàn thông tin đã được rèn luyện, đào tạo từ ngôi trường này. Trong đó, đến nay đã có 8 khóa học viên Cao học ngành An toàn thông tin hoàn thành chương trình đào tạo, với tổng số 294 học viên được trao bằng Thạc sĩ.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong giai đoạn triển khai đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020, đã hình thành và phát triển 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin với hệ đào tạo chính quy thạc sĩ, kỹ sư và cử nhân ngành An toàn thông tin.
Cũng trong giai đoạn 2014 – 2020, đã có 19 cơ sở đào tạo trên toàn quốc được cấp mã ngành đào tạo an toàn thông tin; có 3.223 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ an toàn thông tin tốt nghiệp ra trường và phục vụ trong các cơ quan, tổ chức. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm các cơ sở đào tạo tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên theo học an toàn thông tin.
Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 21 phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn đến năm 2025.
Đề án của giai đoạn mới đã xác định rõ quan điểm: Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin là nội dung quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn thông tin, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế - xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về an toàn thông tin theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU.
Các mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng giai đoạn đến năm 2025 gồm có: Đào tạo 5.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin; lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về an toàn thông tin ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ....
Đào tạo thực chiến nhân lực an toàn thông tin theo mô hình ‘Làm trước – Học sau’
Sinh viên Kỹ thuật mật mã giành giải Nhất cuộc thi 'CSTV Capture The Flag 2023’