Hơn 1.000 kỹ sư an toàn thông tin từ ‘lò đào tạo’ PTIT

05-10-2023 12:18|Vân Anh

Từ khi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) mở ngành an toàn thông tin đến nay, trường đã đào tạo hơn 1.000 kỹ sư an toàn thông tin, góp phần hình thành đội ngũ nhân lực nòng cốt để bảo vệ thành quả chuyển đổi số.

Khoa An toàn thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT vừa tổ chức chương trình gặp mặt tân sinh viên khóa mới và tổng kết cuộc thi Sinh viên PTIT với an toàn thông tin – PTIT CTF 2023.

W-an-toan-thong-tin-mang-2-1-1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và đại diện Phòng Chính trị và công tác sinh viên của học viện trao phần thưởng cho 2 thủ khoa đầu vào ngành An toàn thông tin.

Ngành An toàn thông tin được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức mở từ năm 2013, đến nay ước tính nhà trường đã đóng góp cho đội ngũ nhân lực an toàn thông tin nước nhà hơn 1.000 chuyên gia.

Trong năm thứ 11 đào tạo ngành An toàn thông tin, Học viện tiếp tục tuyển được các sinh viên với chất lượng đầu vào cao, với điểm xét tuyển cao thứ 2 trong 16 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy của trường, chỉ sau ngành CNTT.

Chia sẻ với các tân sinh viên ngành An toàn thông tin, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Dậu, Trưởng khoa An toàn thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, an toàn thông tin là ngành học tương đối khó, khối lượng học tập và thực hành nhiều.

Vì thế, các tân sinh viên ngành An toàn thông tin, những người đã đỗ vào trường với điểm xét tuyển cao, cần tiếp tục giữ vững phong độ học tập từ bậc THPT và phát huy, rèn luyện khả năng tự đọc, tự học cùng với việc học tập và rèn luyện trên lớp, nhóm và thực tập tại các doanh nghiệp để trở thành kỹ sư an toàn thông tin sau 4,5 năm nữa.

W-an-toan-thong-tin-mang-3-1.jpg
Trưởng khoa An toàn thông tin của PTIT Hoàng Xuân Dậu trao đổi, giải đáp thắc mắc của các tân sinh viên.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Dậu cũng nhấn mạnh rằng, cơ hội việc làm ngành An toàn thông tin, CNTT rất nhiều và thu nhập cho nhân sự ngành này rất hấp dẫn, song vấn đề quan trọng là các em sinh viên cần chăm chỉ học tập để ra trường đúng hạn.

“Khoa An toàn thông tin của Học viện có đội ngũ thầy cô có trình độ, tâm huyết, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các sinh viên trong quá trình học tập. Khoa cũng có quan hệ hợp tác với nhiều công ty, đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thông tin, những nơi sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến thực tập và rèn luyện”, Tiến sĩ Hoàng Xuân Dậu thông tin thêm.

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, cựu sinh viên ngành An toàn thông tin khóa đầu tiên của PTIT Nguyễn Khuyến, thủ khoa đầu vào và là một trong các sinh viên giỏi nhất của khóa D13 ngành An toàn thông tin, từng làm việc tại Công ty An ninh mạng Viettel và hiện là Phó Trưởng phòng An toàn thông tin của Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm đã chia sẻ với các tân sinh viên an toàn thông tin về kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Tại sự kiện, khoa An toàn thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng đã tổng kết, trao thưởng cuộc thi PTIT CTF 2023.

Là một hoạt động thúc đẩy phong trào học tập và nâng cao kiến thức về an toàn thông tin cho sinh viên Học viện, cuộc thi cũng nhằm chọn ra các sinh viên có kiến thức và kỹ năng tốt về an toàn thông tin để bổ sung nguồn cho đội tuyển sinh viên học viện ôn luyện tham dự các cuộc thi quốc gia và quốc tế về an toàn thông tin trong năm nay và các năm tiếp theo.

Sau 2 vòng thi diễn ra trong các tháng 8 và 9, Ban tổ chức đã chọn trao 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 7 giải Ba, 10 giải Khuyến khích, 1 giải Tiềm năng, 1 giải Nữ sinh và 1 giải Tiến bộ.

Thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng để bảo vệ an toàn các hệ thống thông tin luôn được quan tâm đặc biệt, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi số, đưa các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân lên môi trường mạng.

nhan luc an toan thong tin 1.jpg
Việt Nam nhận thức rõ cần có đội ngũ nhân lực an toàn thông tin mạng đủ mạnh để có thể bảo vệ các thành quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. (Ảnh minh họa: Văn Ngọc)

Tiếp nối Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn trước, tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án này cho giai đoạn đến năm 2025.

Mục tiêu tổng quát của Đề án phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn mới là đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức nhà nước; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về an toàn thông tin ở nước ngoài cho các cơ sở giáo dục đại học; đào tạo thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin trong nước; và đào tạo kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, cá nhân.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong những cơ sở đào tạo đã và đang tham gia tích cực vào việc triển khai hiện thực hóa mục tiêu của Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin.

Trong kế hoạch của Học viện, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư An toàn thông tin trong nước, trường cũng đã có thỏa thuận hợp tác với Đại học Bellevue, Hoa Kỳ để phối hợp triển khai chương trình đào tạo liên kết Cử nhân An toàn thông tin, dự kiến hoạt động đào tạo liên kết sẽ được khởi động từ giữa năm 2024. 

Yêu cầu sớm đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng lõm sóng, lõm điện

Quy định mới giúp giảm thiểu các hành vi tiêu cực trên không gian mạng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hon-1-000-ky-su-an-toan-thong-tin-tu-lo-dao-tao-ptit-2198190.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hơn 1.000 kỹ sư an toàn thông tin từ ‘lò đào tạo’ PTIT
    POWERED BY ONECMS & INTECH