Philippines và Indonesia đều là những thị trường lớn và truyền thống của gạo Việt Nam. Thế nhưng, Thái Lan cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này khiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tận dụng ưu thế, giữ vững thị trường truyền thống
Bàn về thị trường xuất khẩu tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ngày 29/2, ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines, thông tin, Việt Nam là nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 về xuất khẩu gạo vào thị trường này.
>> Một năm trúng đậm chưa từng có, hàng chục nghìn 'nông dân thành tỷ phú'
Lợi thế của Việt Nam là các doanh nghiệp đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, tạo được uy tín, sự tin tưởng với bạn hàng.
Quan trọng hơn, gạo Việt có chất lượng, phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines với giá cả cạnh tranh; nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định, cả về số lượng và giá cả, đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines.
Ông Thành dự báo, tại Philippines, dư địa cũng như cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Song, ông đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải luôn duy trì vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại đây. Lý do là hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Ngoài ra, cần đa dạng các mặt hàng, không quá tập trung vào gạo chất lượng cao mà cần khai thác cả các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia - quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam - nhận định, gạo nước ta đã có chỗ đứng tại thị trường này nhưng cũng vấp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan ở phân khúc chất lượng cao. Đáng nói, nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét.
Ông Cường thông tin, gần đây, giá gạo tại Indonesia đang tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt.
Hiện tượng gạo khan hiếm tại các siêu thị đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ, tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán lẻ đối với gạo phẩm cấp cao lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần Chính phủ nước này ấn định.
Ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1 (các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn), theo ông Cường, Chính phủ Indonesia sẽ sớm mở thầu mua thêm gạo. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát thị trường, tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới. Do đó, muốn giữ được thị trường này, ngoài vấn đề chất lượng, đa dạng hoá chủng loại gạo, ông Cường cho rằng các doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xúc tiến vì đây là một phân khúc thị trường rất tiềm năng.
Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết, bởi số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của Indonesia rất hạn chế. Cơ hội tìm kiếm các thương nhân có đủ điều kiện nhập khẩu của Indonesia không nhiều, ông khuyến nghị.
Giá lúa gạo lao dốc
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến nửa đầu tháng 2/2024, nước ta xuất khẩu 663 nghìn tấn gạo, thu về 467 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu tăng 14,3%, song giá trị tăng mạnh 53% do giá gạo neo ở mức cao.
Trong tháng 1 năm nay, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 707 USD/tấn. Tuy nhiên, những ngày vừa qua giá gạo xuất khẩu lao dốc.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 29/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm còn 594 USD/tấn, gạo 25% tấm giảm về ngưỡng 570 USD/tấn.
So với mức đỉnh được thiết lập năm 2023, giá gạo 5% tấm đã giảm 69 USD/tấn, gạo 25% tấm giảm 73 USD/tấn.
Giá lúa gạo tại thị trường trong nước cũng giảm mạnh. Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng giảm còn 7.557 đồng/kg; lúa thường tại kho giảm về mức 8.683 đồng/kg; gạo 5% tấm giá 13.389 đồng/kg; gạo 25% tấm giảm còn 13.100 đồng/kg...
Nhận định về tình hình thương mại gạo toàn cầu năm 2024, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng, thị trường này tiếp tục chịu tác động bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết tác động tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước...
Theo ông Phú, toàn bộ thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho hay, đơn vị này tiếp tục theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, VFA, thương nhân để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đồng thời, triển khai các hoạt động xúc tiến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc;... khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ...
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh