Ghi nhớ các bước chăm sóc trẻ nhỏ bị bệnh tay, chân, miệng tại nhà an toàn, hiệu quả
Bệnh tay, chân, miệng thường xảy ra ở trẻ và dễ trở thành dịch. Việc phát hiện sớm và chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà sẽ giúp làm giảm các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Bệnh tay, chân, miệng lây qua những con đường nào?
Virus gây bệnh tay, chân, miệng có khả năng lây lan nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, chất tiết từ mũi, miệng, phân, nước bọt. Người mắc bệnh có khả năng phát tán virus gây bệnh trong tuần đầu tiên.
Các con đường lây truyền virus gây bệnh:
- Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
- Hít, nuốt phải các tiết dịch, nước bọt của người bệnh thông qua ăn uống chung, hắt hơi, ho, nói chuyện.
- Trẻ cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng khác của người bị bệnh.
- Bệnh tay chân miệng lây lan nhanh nên dễ bùng phát thành dịch lớn. Khi một trẻ bị mắc bệnh, nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời thì những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Chính vì thế, cha mẹ luôn phải chủ động trang bị kiến thức chăm sóc trẻ bị bệnh tay, chân, miệng để phòng trừ những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây nên.
Cách chăm sóc trẻ bị bệnh chân, tay, miệng an toàn, hiệu quả tại nhà
Đầu tiên, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh. Nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu bất thường.
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng tránh dành cho bệnh này. Cách điều trị bệnh củ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, bù nước theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ.
Về chế độ ăn uống, cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời để trẻ tránh mất nước, hạ đường huyết. Đối với trẻ đang bố mẹ, cần tăng cường bú thành nhiều lần trong ngày.
Với trẻ lớn hơn, cần kiêng các loại thức ăn cứng gây đau rát và tổn thương khoang miệng. Thay vào đó, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo, sữa, sữa hạt, sữa chua, tăng cường hoa quả giàu vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần vệ sinh da cho bé để tránh bội nhiễm vi khuẩn bằng cách: tắm lá chè xanh, lá chân vịt… Sau khi tắm, lau khô người và sử dụng dung dịch xanh Methylen để bôi lên các nốt bỏng nước trên da.
Những sai lầm cần tránh khi điều trị bệnh tại nhà
Khi trẻ nổi nhiều mụn nước, điều này cho thấy tình trạng bệnh nhẹ hơn so với nổi các mụn nước ẩn dưới da. Với những trẻ không bị loét miệng, bội nhiễm thì cha mẹ không cần sử dụng thuốc kháng sinh, vì lúc này cơ thể của trẻ rất yếu. Sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể và khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
Nhiều phụ huynh có quan điểm kiêng gió, kiêng nước để bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, khi trẻ bị sốt đổ nhiều mồ hôi và các dịch tiết từ nốt phỏng khi chúng vỡ ra tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, gây nhiễm trùng, bội nhiễm.
Khi trẻ sốt kèm theo triệu chứng ớn lạnh, run, phụ huynh thường giữ ấm kỹ hơn. Tuy nhiên, lúc này trẻ cần được mặc quần áo thoáng mát, thấm hút tốt và cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tay, chân, miệng khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, đau khi nuốt, ăn không ngon miệng. Cha mẹ lưu ý, không nên ép trẻ ăn vì điều này sẽ gây ám ảnh cho trẻ mỗi khi đến bữa ăn, tình trạng sức khỏe trở nên nặng hơn.
Bệnh tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm có thể điều trị tại nhà theo phác đồ của bác sĩ. Bệnh có thể tự khỏi sau 7-10 ngày mà không nguy hiểm của trẻ. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bất thường, bạn vẫn cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám thêm.