Giá dầu lao dốc trước khả năng Fed tăng lãi suất

19-09-2022 18:40|Phương Linh

Giá dầu thế giới bất ngờ giảm mạnh trong phiên chiều 19/9 do áp lực triển vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất và đồng USD vẫn ở mức cao.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong tuần này và có một số quan ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm.

Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu PVM (Vương quốc Anh) cho hay, cuộc họp sắp tới của Fed và đồng USD mạnh lên đang gây sức ép lên giá dầu.

Vào lúc 18 giờ ngày 19/9 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 giảm 1,17 USD (1,3%) xuống 90,18 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 10/2022 giảm 1,14 USD (khoảng 1,3%) xuống 83,40 USD/thùng.

Trước đó, vào lúc 6h30 ngày 19/9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11 được giao dịch ở mức 91,89 USD/thùng, tăng 0,54 USD, tương đương 0,59%.

Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 85,58 USD/thùng, tăng 47 cent, tương đương 0,55%.

Giá dầu thế giới lao dốc trong chiều 19/9

Các hoạt động giao dịch dự kiến sẽ bị hạn chế trong bối cảnh nước Anh tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Elizabeth II.

Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ  sẽ phát một tín hiệu cứng rắn hơn trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ sắp tới, lãi suất cơ bản của Fed đến tháng 12 sẽ tăng lên mức 4% và sẽ duy trì ở mức cao trong suốt năm 2023 - giới chuyên gia kinh tế nhận định trong một cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg thực hiện.

Theo khảo sát này, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận quyết định lãi suất trong Fed - sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp khi kết thúc cuộc họp vào lúc 14h chiều ngày thứ Tư (21/9) theo giờ Washington. Với bước nhảy này, lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng lên ngưỡng 3-3,25%.

Cùng với đó, chính các hạn chế của Trung Quốc, sự điều tiết trong các hoạt động kinh tế toàn cầu và giá USD vẫn ở mức cao là những yếu tố kiềm chế giá dầu tăng vọt.

Giá dầu đã tăng mạnh trong năm 2022 trong đó dầu Brent áp sát mức cao kỷ lục 147 USD/thùng hồi tháng 3/2022 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gây ra những quan ngại về nguồn cung. Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu suy yếu cũng đã khiến giá giảm thấp hơn.

Đồng USD đã “neo” gần mức cao của 20 năm trước lúc Fed và các ngân hàng trung ương khác công bố quyết định lãi suất trong tuần này. Đồng USD mạnh lên khiến các hàng hóa, được định giá bằng "đồng bạc xanh", trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền khác và thường gây sức ép lên dầu và những tài sản rủi ro khác.

Thị trường dầu cũng đã chịu sức ép từ các dự báo nhu cầu suy yếu, trong đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tuần trước dự đoán tăng trưởng nhu cầu trong quý IV/2022 sẽ “đứng yên”.

Các nhà phân tích cho hay, việc các biện pháp hạn chế COVID-19 được nới lỏng tại Trung Quốc có thể mang đến sự lạc quan cho các nhà giao dịch.

Giá xăng dầu hôm nay 19/9: Vượt mốc 91 USD/thùng

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ứng phó như thế nào với 'mùa đông khắc nghiệt' của ngành lọc hóa dầu?

Ả Rập Xê Út sẵn sàng từ bỏ mục tiêu giá dầu 100 USD/thùng để giành lại thị phần

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá dầu lao dốc trước khả năng Fed tăng lãi suất
    POWERED BY ONECMS & INTECH