Gia đình duy nhất Việt Nam có 3 bố con cùng vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, 2/3 người mang hàm tướng quân đội
Trong gia đình này, người cha là nhà khoa học có công khởi xướng ngành ghép tạng tại Việt Nam, các con của ông đều là những nhân vật tài năng của đất nước.
Người cha bản lĩnh tôi luyện từ khói lửa chiến tranh
GS.TSKH, Thầy thuốc Nhân dân, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thế Trung (1928–2018) là một trong những bác sĩ xuất sắc của nền y học Việt Nam thời kỳ hiện đại. Ông là người đặt nền móng cho các chuyên ngành điều trị bỏng, ghép tạng và y học thảm họa, góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của y học quân sự và dân sự nước nhà.
Là người đi đầu trong việc xây dựng chuyên ngành điều trị bỏng tại Việt Nam, ông không chỉ khởi xướng mà còn trực tiếp tổ chức thành lập Viện Bỏng Quốc gia, nay là Bệnh viện Bỏng Lê Hữu Trác. Trong lĩnh vực ghép tạng, ông giữ vai trò tổng chỉ huy các ca ghép thận và gan đầu tiên tại Việt Nam, mở ra hướng đi mới cho y học trong nước.
Trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp và bệnh nhân, GS.TSKH Lê Thế Trung là hình ảnh mẫu mực của một thầy thuốc tận tụy, nhà giáo tâm huyết và nhà khoa học sáng tạo, luôn cống hiến không ngừng vì sức khỏe của bộ đội và nhân dân, đúng với tinh thần “lương y như từ mẫu”.

Khởi đầu sự nghiệp y khoa từ một công nhân ngành in, ông Nguyễn Thế Trung – tên thật của GS.TSKH Lê Thế Trung – đã gia nhập Vệ quốc đoàn giữa những năm tháng kháng chiến gian khó. Sau khi hoàn thành khóa y tá và lớp y sĩ đầu tiên tại Trường Quân y sĩ Việt Nam thuộc Liên khu Việt Bắc, ông tham gia nhiều chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là mặt trận Điện Biên Phủ.
Tại đây, giữa điều kiện thiếu thốn trăm bề, ông và đồng đội đã sử dụng những vật dụng thô sơ như thanh tre, gáo dừa, bầu khô để cầm máu và pha chế dịch truyền. Nguồn sáng cho các ca phẫu thuật là đèn dầu, đèn pin. Những trải nghiệm sinh tử ấy đã thôi thúc ông không ngừng tìm tòi, sáng tạo, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong cho thương binh.
Nhờ tài năng đặc biệt trong điều trị bỏng, ông được mệnh danh là “phù thủy chữa bỏng”. Năm 1968, ông trực tiếp vào chiến trường Khe Sanh nghiên cứu ngoại khoa dã chiến, hoàn thành công trình quan trọng về tổn thương do sóng nổ, bỏng chấn thương và kỹ thuật ghép da tự thân. Năm 1972, ông sang Liên Xô bảo vệ luận án phó tiến sĩ y học với đề tài nghiên cứu về nhiễm khuẩn mủ xanh trong bỏng – một trong những vấn đề nan giải nhất thời bấy giờ.
Đại gia đình GS.TSKH Lê Thế Trung đều công tác trong ngành quân y

Sau ngày đất nước thống nhất, ông cùng đồng nghiệp phát triển Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) và bệnh viện thực hành 103, tập trung vào lĩnh vực điều trị bỏng chuyên sâu. Năm 1981, ông được phong học hàm Phó Giáo sư, tiếp đó là Giáo sư vào năm 1982. Năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Học viện Quân y Kyrov (Liên bang Nga). Đến năm 1988, khi đang giữ chức Giám đốc Học viện Quân y, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Năm 1992, ông chỉ đạo thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 2004, trên cương vị đồng Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ghép tạng Việt Nam, ông và các đồng nghiệp tiếp tục đánh dấu bước ngoặt khi thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên. Những cột mốc quan trọng này đã mở ra một chương mới cho ngành y học nước nhà, đặt nền móng cho các kỹ thuật ghép tim, phổi và đa tạng sau này.
Hai người con kiệt xuất viết tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình
Tiếp nối truyền thống gia đình, Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải – con trai trưởng của GS.TSKH Lê Thế Trung – là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quân y, ông đã tham gia ngay từ những ngày đầu cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Thừa hưởng sự nghiệp và tinh thần của người cha, GS.TS Lê Trung Hải đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng. Một trong những trường hợp tiêu biểu là ông Lê Thanh Nghiêm, sinh năm 1960, nguyên Bí thư Thị ủy Đông Hòa (Phú Yên), được ghép thận thành công năm 1993 bởi GS.TSKH Lê Thế Trung, GS.TS Lê Trung Hải và các chuyên gia đầu ngành.
Từ sau ca ghép thận thành công này, hai cha con tiếp tục phối hợp thực hiện nhiều ca ghép tạng khác, mang lại hy vọng sống cho hàng loạt bệnh nhân. Năm 2005, hai cha con vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho cụm công trình ghép tạng, một mốc son trong sự nghiệp của họ.

Năm 2010, người con trai út của GS.TSKH Lê Thế Trung – Đại tá, Thạc sĩ Lê Trung Thắng – cũng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ với vai trò đồng tác giả của cụm công trình Kết hợp Quân dân y. Đây là thành tích đặc biệt hiếm có, khi cả ba cha con trong một gia đình đều được vinh danh bằng giải thưởng khoa học – công nghệ cao quý nhất của quốc gia.
Hiện nay, dù bận rộn với vai trò Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, GS.TS Lê Trung Hải vẫn không ngừng nghiên cứu, giảng dạy và tham gia điều trị. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho y học, ông tiếp tục có nhiều đóng góp ý nghĩa cho ngành, với các báo cáo khoa học về ghép tạng, phẫu thuật nội soi và bệnh lý gan mật tụy được công nhận tại các hội nghị quốc tế ở Anh, Đức, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, đồng thời chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp Nhà nước.
Nguồn: Tổng hợp