Kiến thức

Gia đình ở Việt Nam có 3 anh em là nhà lãnh đạo tài năng, cùng được tặng Huân chương Sao Vàng cao quý nhất

Vĩ Hạ 20/08/2024 16:39

Trong 3 anh em, có người từng từ chối giải thưởng Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel trao tặng năm 1973.

Dòng họ Phan ở Nam Định nổi tiếng với truyền thống khoa cử, đời nào cũng có người đỗ đạt và được phong quan như cụ tổ đời thứ 2 Phan Đình Địch được triều đình tặng Bát phẩm Tượng mục; cụ tổ đời thứ 3 Phan Đình Lạn được phong Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ Triều Liệt Đại phu; cụ tổ Phan Đình Hòe đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (năm 1900), làm quan qua 4 đời vua triều Nguyễn, nổi tiếng với sự liêm khiết, nhân từ...

Trong dòng họ Phan, gia đình cụ Phan Đình Quế và cụ Đinh Thị Hoàng có 5 người con trai, trong đó có 3 người tham gia cách mạng và sau này đều trở thành những lãnh đạo cấp cao, gồm các ông Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh) và Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống).

Ông Phan Đình Đẩu, người trông coi và hương khói nhà thờ họ Phan trong Khu tưởng niệm ông Lê Đức Thọ (thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định), từng kể lại trên Báo Tiền Phong: "Chồng mất sớm, một mình nuôi dạy 8 người con nhưng thân mẫu của ông Lê Đức Thọ là cụ Đinh Thị Hoàng (1882-1956) là người sớm có tư tưởng tiến bộ.

Khi biết các con trai tham gia hoạt động cách mạng, cụ đều nhiệt tình ủng hộ. 3 người con bị tù đày khắp các nhà tù của giặc Pháp như Sơn La, Hỏa Lò, Hòa Bình, cụ đều lặn lội đi thăm. Dù xót xa trước đòn roi tra tấn của quân thù lên cốt nhục của mình, cụ vẫn động viên con và bạn tù kiên định con đường cách mạng đã chọn.

Ngôi nhà của cụ chính là cơ sở cách mạng từng nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ của Đảng trong thời kỳ hoạt động ở Nam Định như đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt..."

Trong 5 anh em trai ông Lê Đức Thọ, có 3 người là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: Hoàng Long/Báo Tiền Phong

Trong 5 anh em trai ông Lê Đức Thọ, có 3 người là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: Hoàng Long/Báo Tiền Phong

Trong số 5 người con trai của cụ, có 3 người được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Lê Đức Thọ - Người đầu tiên từ chối nhận giải Nobel

Ông Lê Đức Thọ (1911-1990), tên thật là Phan Đình Khải, là vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Lê Đức Thọ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã có nhiều năm hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, từng giữ nhiều trọng trách trong Đảng.

Ông Lê Đức Thọ là vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Ông Lê Đức Thọ là vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Dù ở trong hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt nhưng đồng chí luôn xác định: “Người cách mạng ở bất kỳ đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm lo việc học tập để nâng cao trình độ, để cống hiến được nhiều hơn cho phong trào”.

Một trong những dấu ấn sâu đậm nhất là khi ông được giao nhiệm vụ Cố vấn đặc biệt cho đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ông Lê Đức Thọ nhận hoa chúc mừng của cán bộ Ban Tổ chức Trung ương sau khi từ Paris trở về, năm 1973. Ảnh tư liệu

Ông Lê Đức Thọ nhận hoa chúc mừng của cán bộ Ban Tổ chức Trung ương sau khi từ Paris trở về, năm 1973. Ảnh tư liệu

Hội nghị Paris về Việt Nam trải qua 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng (từ 13/5/1968-27/1/1973). Với trọng trách là Cố vấn đặc biệt, ông Lê Đức Thọ đã thể hiện tài năng ngoại giao xuất sắc, góp phần cùng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kiên trì giữ vững mục tiêu chung của toàn bộ cuộc đàm phán; kết hợp với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị để đạt được thành công của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Ông Lê Đức Thọ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 (tháng 12/1976). Ảnh: TTXVN

Ông Lê Đức Thọ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 (tháng 12/1976). Ảnh: TTXVN

Việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam là một sự kiện chính trị vang dội trên thế giới năm 1973. Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao Giải thưởng Hòa bình cho ông Lê Đức Thọ, nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam.

Thượng tướng Đinh Đức Thiện - "Anh cả" của ngành Vận tải quân sự

Thượng tướng Đinh Đức Thiện (1913-1987), tên thật là Phan Đình Dinh, là con trai thứ tư trong gia đình. Ông nguyên là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng đầu tiên của Cục Vận tải từ năm 1949...

Ông Đinh Đức Thiện (ngoài cùng bên phải) thăm vùng giải phóng Lộc Ninh, tỉnh Phước Long năm 1973. Ảnh: NVCC/Báo QĐND

Ông Đinh Đức Thiện (ngoài cùng bên phải) thăm vùng giải phóng Lộc Ninh, tỉnh Phước Long năm 1973. Ảnh: NVCC/Báo QĐND

Ông được ví như người “anh cả” của ngành Vận tải quân sự, “người thầy” của công tác vận tải trong chiến tranh, bởi ngay trong lúc khó khăn, gian nguy nhất, ông vẫn kiên trì phương thức sử dụng cơ giới và có những đề xuất táo bạo để công tác vận tải đạt hiệu quả cao.

Trong năm 1968, con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam là đường Trường Sơn gần như bị tắc nghẽn vì thiếu xăng dầu. Ông Đinh Đức Thiện đã táo bạo đề xuất xây dựng hệ thống đường ống xăng dầu xuyên Trường Sơn và được thông qua.

Đến đầu năm 1973, khi Hội nghị Paris thành công, bộ đội hậu cần đã hoàn thành tuyến đường ống dài trên 1.000km để vận chuyển xăng dầu từ Bắc vào Nam, chuẩn bị cho giai đoạn thống nhất đất nước.

Sau này, ông Đinh Đức Thiện kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim...

Đại tướng Mai Chí Thọ - Đại tướng đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân

Người con trai út là Đại tướng đầu tiên của Bộ Công an - ông Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống, 1922-2007). Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 14 tuổi. Năm 19 tuổi, ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đại tướng Mai Chí Thọ - Bộ trưởng đầu tiên mang hàm Đại tướng của lực lượng Công an Nhân dân

Đại tướng Mai Chí Thọ - Bộ trưởng đầu tiên mang hàm Đại tướng của lực lượng Công an Nhân dân

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, ông Mai Chí Thọ hoạt động chủ yếu ở miền Nam. Hòa bình lập lại, ông giữ các chức vụ Giám đốc Công an TP. HCM, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. HCM. Cùng với hai vị lãnh đạo khác là cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là một trong bộ ba ủng hộ và khởi xướng cho thời kỳ Đổi mới ở TP. HCM trước năm 1986.

Ông Mai Chí Thọ là Đại tướng đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân. Ảnh: Báo CAND

Ông Mai Chí Thọ là Đại tướng đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân. Ảnh: Báo CAND

Đến năm 1986, ông được điều ra miền Bắc, giữ cương vị Thứ trưởng, sau đó là Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Mai Chí Thọ được bầu vào Bộ Chính trị khóa VI và là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.

Nhờ những đóng góp đó đặc biệt xuất sắc, ông Lê Đức Thọ, Thượng tướng Đinh Đức Thiện và Đại tướng Mai Chí Thọ đều được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng. Tên của các ông được đặt cho nhiều con đường và tuyến phố trên cả nước.

>> Đại tướng đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân: Người đặt nền móng cho sự phát triển của TP. HCM, hai anh trai cũng là những nhà lãnh đạo nổi tiếng

Nữ sinh Việt Nam đầu tiên giành huy chương Olympic Toán Quốc tế: Xuất thân từ gia đình giàu truyền thống, cháu nội cụ Phan Kế Toại, từng làm việc cho Liên Hợp Quốc

Gia đình có bốn nghệ sĩ được đặt tên đường tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam, đặc biệt nằm trong cùng một quận

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/gia-dinh-o-viet-nam-co-3-anh-em-la-nha-lanh-dao-tai-nang-cung-duoc-tang-huan-chuong-sao-vang-cao-quy-nhat-d130932.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Gia đình ở Việt Nam có 3 anh em là nhà lãnh đạo tài năng, cùng được tặng Huân chương Sao Vàng cao quý nhất
POWERED BY ONECMS & INTECH