Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, người dân không cần quá lo ngại về giá heo hơi bởi nguồn cung heo Việt Nam vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước câu hỏi liệu rằng giá heo hơi Việt Nam trong năm 2022 sẽ diễn biến giống như Thái Lan khi tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung không, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, điều này không quá lo ngại bởi nguồn cung heo Việt Nam vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thoạt nhìn có vẻ câu chuyện của Việt Nam và Thái Lan giống nhau khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng kép dịch tả heo châu Phi và dịch COVID-19 nhưng bản chất lại rất khác nhau.
Dưới tác động của cơn khủng hoảng kép dịch tả heo Châu Phi và dịch COVID-19, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm một nửa từ 4 triệu xuống còn 2 triệu hộ. Còn ở Thái Lan, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm tới khoảng 2/3.
Tổng đàn heo hơi của Thái Lan khoảng 20 triệu con, với 190 nghìn hộ nuôi. Trong đó, có tới 95% là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong 2 năm qua, dịch tả heo Châu Phi và COVID-19 đẫ khiến chi phí thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều hộ phải bỏ chuồng.
Theo Bangkok Post, Hiệp hội Chăn nuôi heo Thái Lan cho biết đến nay chỉ còn 80.000 hộ chăn nuôi heo trên toàn quốc, giảm 2/3 so với thời điểm trước thời điểm xảy ra dịch bệnh.
Tuy nhiên, điểm khác với Thái Lan là các doanh nghiệp chăn nuôi chuyên nghiệp đã đầu tư bài bản hơn và mở rộng quy mô nuôi.
Mặc dù giảm mạnh, nhưng tỷ trọng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của Việt Nam hiện chỉ còn 40%, thấp hơn nhiều với Thái Lan là 95%. Tổng đàn heo tính đến cuối năm 2021 là hơn 28 triệu con, tương đương so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi do đó cán cân cung - cầu vẫn đang cân bằng.
Đàn nái sinh sản duy trì khoảng 2,9 triệu con. Năm 2021, tổng đàn heo xuất chuồng khoảng 50 triệu con, tương đương với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi (2018). Riêng 16 doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 23% lượng tổng đàn heo thịt và tăng trưởng tới 73% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn tồn tại cũng đầu tư chuyên nghiệp hơn bởi họ xác định đây là nguồn thu nhập chính. Còn các hộ nuôi tạm bợ tự từ bỏ.
Do đó, có thể nói dịch tả heo châu Phi và dịch COVID-19 như một ngòi nổ tạo nên cuộc thanh lọc và cách mạng đổi mới cho ngành chăn nuôi heo Việt Nam. Cái gì tồn tại được thì nó sẽ tồn tại còn cái gì không tồn tại được thì tự phải bỏ.
Giá bán lẻ thịt heo Thái Lan tăng gấp đôi lên 250 baht/kg (khoảng 170 nghìn đồng/kg) chỉ trong vòng vài tháng do thiếu hụt nguồn cung. Hiệp hội Chăn nuôi Thái Lan cho rằng giá có thể tăng lên 300 baht/kg (khoảng 203 nghìn đồng/kg) trước thềm Tết Nguyên đán do nhu cầu tăng mạnh.
Dịch COVID-19 khiến đứt gãy chuỗi cũng kéo theo chi phí thức ăn chăn nuôi tăng vọt. Trong khi đó, dịch bệnh trên heo gây thiệt hại lớn, nhiều hộ phải bỏ chuồng.
Trong bối cảnh Thái Lan mở cửa kinh tế trở lại khiến nhu cầu thịt heo tăng vọt, kéo theo giá thịt heo cũng tăng mạnh.
Theo Bangkok Post, giá thịt heo tại các chợ truyền thống tính từ tháng 5/2021 đến hết năm tăng hơn 100% lên 210 - 250 baht/kg (tương đương 143.000 - 171.000 đồng/kg).
Điều này khiến Thái Lan ban hành lệnh cấm xuất khẩu heo sống trong vòng 3 tháng nhằm hạ nhiệt giá thịt heo trong nước. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực đến ngày 5/4. Bộ Thương mại Thái Lan sẽ theo dõi tình hình để quyết định có gia hạn thêm thời gian hay không.