Giá tăng cao kỷ lục, có nên thành lập sàn giao dịch gạo?
Giá gạo xuất khẩu dự báo sẽ tăng mạnh trước thông tin Ấn Độ, Myanmar áp thuế và lên kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo.
Giá gạo xuất khẩu Việt ổn định sau nhiều tuần biến động
Số liệu cập nhật từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa tuần từ 21/8 – 27/8, giá gạo thô kỳ hạn tháng 11 niêm yết trên Sở Chicago tăng 1,2% lên 315,53 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu trải qua tuần giao dịch ổn định. Sáng nay (28/8), theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của nước ta duy trì ở mức 638 USD/tấn, gạo 25% tấm giao dịch ở 623 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu nước ta tiếp tục neo vùng đỉnh 15 năm và ở mức cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, MXV nhận định, các thông tin thị trường hiện tiếp tục phản ánh khả năng nguồn cung gạo toàn cầu thâm hụt, khiến giá gạo có thể sớm quay lại đà tăng.
Mới đây, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Thông báo được Bộ Tài chính đưa ra vào ngày 25/8, có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10 năm nay.
Đồng thời, Ấn Độ cũng đã áp dụng mức giá sàn xuất khẩu đối với gạo basmati là 1.200 USD/tấn. Trước đó, nước này đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati kể từ tháng 7. Những động thái mới của Ấn Độ có thể sẽ đẩy giá gạo thế giới lên cao hơn nữa.
Không chỉ Ấn Độ, Myanmar cũng đang lên kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu gạo để nhằm đáp ứng tiêu thụ nội địa. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 trên thế giới, bán hơn 2 triệu tấn mỗi năm. Thông tin này càng góp phần củng cố đà tăng cho giá gạo thế giới, cũng như làm sâu sắc thêm lo ngại đối với các nhà nhập khẩu gạo trong thời điểm hiện tại.
Như vậy, trong bối cảnh tồn kho gạo toàn cầu vốn ở mức thấp, giá mặt hàng lương thực chính của khoảng 50% dân số thế giới càng trở nên nhạy cảm với các tin tức về nguồn cung. Bất cứ động thái liên quan đến việc hạn chế xuất khẩu, đều có khả năng đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh hơn.
Có nên xây dựng Sàn giao dịch gạo?
Về lượng xuất khẩu của gạo Việt Nam theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết ngày 15/8, cả nước đã xuất khẩu 5,35 triệu tấn gạo, thu về 2,88 tỷ USD, tăng 22,1% về lượng và tăng 34,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng cao, góp phần củng cố vị thế gạo Việt Nam trên trường quốc tế, tuy nhiên, đây cũng được coi là thách thức lớn đối với ngành lúa gạo Việt Nam khi mất đi lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có giá 638 USD/tấn - mức rất cao so với ngưỡng người tiêu dùng thế giới có thể chấp nhận. Giá thu mua lúa tại thị trường nội địa cũng rất đắt đỏ. Giá các loại lúa đều tăng lên gần 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu thì tương đương giá 670-680 USD/tấn. Mức giá này sẽ rất khó tìm được khách mua.
Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn ưu tiên các đơn hàng với giá ổn định. Do đó, ở tình thế hiện tại, các doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới và cũng tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương liên tục có những khuyến cáo về việc bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc dự trữ gạo để tránh giá tăng bất thường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết cuối năm.
Tuy nhiên, nếu giá lúa gạo tiếp tục tăng cao, việc tăng giá gạo bán lẻ ở thị trường nội địa là điều không thể tránh. Thời gian qua, ở nội địa, Sàn giao dịch thịt heo TP.Hồ Chí Minh đã được xây dựng. Khi đi vào vận hành được kỳ vọng sẽ giúp bình ổn giá thịt heo, người chăn nuôi và người tiêu dùng cùng được lợi.
Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho rằng: Liệu có nên xây dựng Sàn giao dịch gạo Việt Nam với quy chuẩn giao dịch bằng hợp đồng, để bảo hiểm giá và giúp không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, mà cả nông dân trồng lúa quản trị rủi ro?