Giá tiêu hôm nay 5/6/2022 đồng loạt đi ngang, dao động trong khoảng 71.500 - 75.000 đồng/kg.
Mức giá thấp nhất là 71.500 đồng/kg có mặt tại tỉnh Gia Lai sau khi tăng 1.500 đồng/kg.
Cùng tăng 1.500 đồng/kg là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, đang thu mua hồ tiêu với chung mức giá là 73.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại tăng 2.000 đồng/kg, gồm: Đồng Nai với mức giá 72.000 đồng/kg, Bình Phước với mức 74.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu với mức 75.000 đồng/kg.
Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC DataWeb), trong quý I, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 19.875 tấn hồ tiêu với giá trị gần 100 triệu USD.
Con số này tăng 5,2% về lượng và tăng 57,6% về trị giá so với mức ghi nhận được vào cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 72% khối lượng hồ tiêu nhập khẩu của Mỹ được cung cấp bởi Việt Nam, tương ứng 14.385 tấn, trị giá 69,5 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng đến 81,9% về giá trị.
Ngược lại, Mỹ giảm khối lượng hồ tiêu nhập khẩu từ một số nhà cung cấp khác như: Ấn Độ (giảm 1,4%), Brazil (giảm 5%), Indonesia (giảm 44,9%),...
Nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ tăng cho thấy nhu cầu mặt hàng này tại Mỹ vẫn ở mức cao bất chấp lạm phát của nước này đang ở mức cao kỷ lục trong 40 năm qua.
Tại Liên minh châu Âu (EU), 67% lượng hồ tiêu được cung cấp bởi các nước ngoài EU và 33% còn lại được giao dịch giữa các nước nội khối. Tiêu thụ hồ tiêu của châu Âu đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trở lại sau đại dịch COVID-19.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2021, EU đã nhập khẩu kỷ lục 104.980 tấn hồ tiêu với trị giá 413,6 triệu Euros, tăng 6,8% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2020.
Việt Nam hiện đang là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất vào EU, chiếm đến 34% thị phần hồ tiêu nhập khẩu của thị trường này trong năm 2021, bỏ xa các nhà cung cấp khác như Brazil (chiếm 20%) và Indonesia (chiếm 5%).
Đáng chú ý, trong vòng 5 năm trở lại đây, lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu vào EU đã tăng rất mạnh (56,3%) từ 22.475 tấn của năm 2017 lên mức 35.131 tấn trong năm 2021.