Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng sau các động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm dập tắt lạm phát.
Giá vàng trong nước
Khép lại phiên giao dịch 17/6, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,95 - 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Chốt phiên giao dịch ngày 17/6, bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,95 - 68,75 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 67,90 - 68,70 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,95 - 68,70 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,78 - 68,87 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,98 - 68,69 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,21 - 54,91 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,35 - 54,75 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 23,3 USD lên mức 1.857,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2022 trên sàn Comex New York tăng 30,3 USD lên mức 1.849,9 USD/ounce.
Ngày 15/6, Fed thông báo quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm sau khi lạm phát tăng đột biến vào tháng Năm. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed cho biết quyết định nâng phạm vi lãi suất cơ bản của ngân hàng lên 1,5-1,75%. Đây là lần tăng lãi suất với mức tăng 0,75 điểm phần trăm đầu tiên của Fed kể từ năm 1994.
Việc Fed tăng lãi suất với mức tăng mạnh bất thường diễn ra sau bốn ngày "hỗn loạn" đối với thị trường tài chính tại Mỹ, khi cổ phiếu đã lao dốc, lợi tức trái phiếu tăng vọt và giá trị tiền điện tử đã sụp đổ trước sự gia tăng đáng báo động của tốc độ tăng giá vào tháng trước.
Các dữ liệu khác cho thấy chỉ số giá sản xuất của Mỹ đã tăng 0,8% trong tháng 5/2022, sau khi tăng 0,4% trong tháng Tư, phù hợp với dự đoán. Các số liệu mới công bố càng cho thấy hoạt động kinh tế tại Mỹ đi xuống với số nhà xây mới giảm 14% trong tháng 5, mạnh hơn nhiều dự báo là 2,6%. Chỉ số hoạt động kinh doanh của Fed Philadelphia lần đầu tiên giảm kể từ tháng 5/2020.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã thực hiện lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp để kiềm chế lạm phát tăng vọt. Tại cuộc họp tháng 5, BoE đã tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên 1%, mức cao nhất trong 13 năm, nhưng cảnh báo rằng nền kinh tế Anh có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Nhà phân tích Xiao Fu của ngân hàng Bank of China International (Trung Quốc) cho biết, áp lực từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên lớn hơn bất kỳ nhu cầu trú ẩn an toàn nào trước các nỗi lo về suy thoái kinh tế.
Theo chuyên gia Han Tan của Exinity, nếu khả năng kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái tiếp tục gia tăng khi Fed tiếp tục nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, tình hình đó có thể giúp phục hồi nhu cầu của giới đầu tư đối với vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, George Milling-Stanley, trưởng chiến lược gia vàng tại State Street Global Advisors nói rằng, ông không ngạc nhiên khi vàng tăng giá sau quyết định tăng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed - một động thái lớn nhất trong 28 năm.
Tuy nhiên, ông Milling-Stanley cho rằng, các nhà đầu tư vàng đang bắt đầu nhận thấy, Fed và Chủ tịch Jerome Powell đang ở một vị trí "rất bấp bênh".
Vị chuyên gia này nói: "Fed đang đi một vòng rất hẹp. Ông Powell muốn tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát nhưng lại không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái".
Theo ông Milling-Stanley, dù thế nào, quyết định mà Fed đưa ra sẽ tích cực đối với vàng. Nếu Fed không tăng lãi suất đủ nhanh, thì lạm phát sẽ tiếp tục tăng và nếu lãi suất tăng quá nhanh, nền kinh tế sẽ có nguy cơ suy thoái. Cả hai kịch bản này đều mang đến tín hiệu tích cực đối với kim loại quý. Và cho dù Fed có lựa chọn kịch bản nào, các nhà đầu tư vàng đều thắng.
Giá vàng tiếp tục neo cao, PNJ lãi gần 1.900 tỷ sau 11 tháng
Ái nữ của 'nữ hoàng đá quý' Cao Thị Ngọc Dung đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu PNJ