Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn tăng khoảng 14-14,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn tròn trơn ngày 10/4 tiếp tục thiết lập đỉnh mới, xô đổ kỷ lục cũ. Giá vàng nhẫn 'tăng điên cuồng' vẫn chưa có dấu hiệu ngừng khi vượt mốc 78 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết mua vào - bán ra ở mức giá 76,78-78,38 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với sáng nay.
Tại Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng nhẫn niêm yết mua vào - bán ra ở mức giá 76,2-78,0 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng so với sáng nay.
Tại PNJ đang niêm yết giá vàng nhẫn ở mức mua vào - bán ra là 74,7-76,3 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn tăng khoảng 14-14,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tuỳ thương hiệu. Khoảng cách giá mua vào - bán ra cũng được nới rộng lên mức 1,6-1,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay cũng ở mức đỉnh mới 2.349 USD/ounce nhờ động lực mua vào và rủi ro địa chính trị, trong khi tâm điểm thị trường chuyển hướng tới biên bản cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu lạm phát Mỹ.
Diễn biến giá vàng trên sàn Kitco (Nguồn: Kitco) |
Bất chấp giá đang trên đỉnh cao chót vót, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng nhẫn để tích luỹ và đầu tư lướt sóng. Cung cao, cầu khan hiếm khiến thị trường vàng nhẫn xuất hiện hiện tình trạng “cháy hàng”, áp “quota” lượng vàng khách được mua mỗi lần.
Chia sẻ với báo Tin tức sáng 10/4, PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết, giá vàng SJC, đặc biệt giá nhẫn tròn trơn liên tục lập đỉnh mới, 1 phần do tác động của giá vàng thế giới, 1 phần do tâm lý. Ông Thịnh cho rằng, các nhà đầu tư và đầu cơ vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Trước tình trạng giá vàng tăng mạnh, một số chuyên gia khuyến nghị, người dân không nên đu đỉnh. Với việc giá vàng tăng như vũ bão, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể can thiệp điều tiết khiến giá vàng đảo chiều.
Lý giải về vấn đề vàng tăng phi mã thời gian qua, Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, nhu cầu của người dân tăng cao và khan hiếm nguồn nguyên liệu. Các nhà đầu tư đang có xu hướng mua vàng nhẫn thay vì tập trung nhiều vàng miếng như trước đây do lo ngại giá vàng miếng đang ở quá cao.
Cùng với đó, theo ông Khánh nguồn cung vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn hiện tại vẫn đang khan hiếm trong bối cảnh thị trường vẫn đang chờ đợi Nghị định 24 được sửa đổi. Các doanh nghiệp cũng không dám dùng vàng trôi nổi trên thị trường vì rủi ro xuất xứ.
Vị chuyên gia này nhận định, nếu diễn biến này tiếp tục xảy ra, khoảng chênh lệch giữa vàng SJC và vàng nhẫn sẽ về chỉ còn khoảng 1-2 triệu đồng/lượng.
Hiện tại, giá vàng nhẫn đang thấp hơn so với vàng miếng khoảng 6 triệu đồng/lượng, thu hẹp hơn nhiều so vơi hồi đầu tháng 3 là khoảng 14 triệu đồng/lượng.
So sánh với giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn trong nước cao hơn khoảng 6 triệu đồng/lượng trong khi khoảng cách này ở vàng miếng SJC là 12 triệu đồng/lượng.
>> Giá vàng SJC 'tăng như vũ bão', lập kỷ lục 84 triệu đồng/lượng